Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu (XK) cao su trong tháng 9 đạt 160 nghìn tấn, trị giá 206 triệu USD, tăng 6,8% về lượng nhưng giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế 9 tháng, XK cao su đạt 1,03 triệu tấn, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng nhưng giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là giá XK các mặt hàng cao su giảm mạnh.
Tăng lượng, giảm giá trị
Trong tháng 8, cao su tổng hợp có giá XK bình quân giảm mạnh nhất, giảm 18%; giá cao su SVR 10 giảm 15,7%, SVR 3L giảm 13,7%, SVR 20 giảm 16,3%, Latex giảm 17,1%…
Tiếp đó, 15 ngày đầu tháng 9, giá XK cao su trung bình dao động ở mức 1.285 USD/ tấn, giảm khoảng 20% so với mức giá cùng kỳ năm 2017.
Ông Trần Minh, Trưởng Ban Công nghiệp, Tập đoàn Cao su Việt Nam, cho rằng sản phẩm không đồng đều giữa các nhà máy "made in Vietnam" khiến nhà sản xuất nước ngoài phải sử dụng nhiều công nghệ và phụ gia để ổn định lại chất lượng. Vì vậy, khách hàng nước ngoài luôn trả mức giá thấp hơn cho sản phẩm cao su Việt Nam so với mặt hàng cùng chủng loại đến từ các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, thực trạng phát triển của ngành cao su còn đang bộc lộ nhiều thách thức. Tuy giá cao su gần 10 năm qua luôn ở thế bấp bênh, thậm chí còn bị dự báo sẽ khó hồi phục trong khoảng 10 năm tới, nhưng tổng diện tích cao su trên cả nước đến năm 2017 đã gần chạm mốc 970.000ha, vượt quy hoạch của Chính phủ tới 12%.
Trong khi đó, ngành cao su Việt Nam vẫn lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, những thị trường "khó tính" như Mỹ vẫn chưa thâm nhập sâu được.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), trong 7 tháng đầu năm 2018, Mỹ nhập khẩu 1,14 triệu tấn cao su, trị giá 2,38 tỷ USD, với 3 thị trường cung cấp chính là Indonesia, Thái Lan và Canada.
DN Việt Nam vẫn tập trung ở những khâu có giá trị gia tăng thấp |
Chưa tận dụng tốt thị trường
Trong 7 tháng, Mỹ giảm nhập khẩu cao su từ Việt Nam, giảm 16,5% về lượng và 19,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, đạt 16,7 nghìn tấn, trị giá 26,56 triệu USD. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Mỹ cũng giảm từ 1,8% trong 7 tháng đầu năm 2017 xuống còn 1,5%.
Trong đó, cao su tổng hợp của Việt Nam mới chỉ chiếm một lượng nhỏ trong nhập khẩu cao su tổng hợp của Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2018.
Điều này đặt ra vấn đề ngành cao su cần phải đẩy mạnh chế biến, nâng cao chất lượng đi kèm các chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường XK hiệu quả.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay, trên 80% sản lượng cao su thiên nhiên được XK, chiếm kim ngạch khoảng 35%. Trong khi đó, lĩnh vực chế biến có sản phẩm tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng sản lượng nhưng đạt giá trị XK tương đương.
Trong chuỗi sản xuất của ngành cao su, DN nhà nước tham gia chủ yếu vào khâu trồng và chế biến mủ cao su, chưa tham gia nhiều vào khâu chế biến sản phẩm cao su.
DN tư nhân ít phát triển diện tích trồng cao su mà chủ yếu tham gia vào khâu chế biến mủ và chế biến sản phẩm cao su. DN FDI tập trung vào hoạt động sản xuất và XK sản phẩm có giá trị gia tăng cao và hàm lượng công nghệ cao.
Như vậy, ngành cao su Việt Nam muốn tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ hội nhập để mở rộng thị trường cần tập trung xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam. Cũng như muốn thu được giá trị cao, các DN Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến và XK các sản phẩm cao su.
Ts. Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, nhấn mạnh cần định hướng XK sản phẩm cao su chế biến, giảm dần XK thô, từng bước nâng cao giá trị của ngành cao su.
Thy Lê