Ts. Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia từ Forest Trends (Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững), cho biết với tốc độ phát triển của ngành đồ gỗ Việt Nam hiện nay, việc có đủ nguyên liệu cho mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) 20 tỷ USD vào năm 2025 đang đối mặt với thách thức lớn.
Ngành gỗ thiếu nguyên liệu
Gỗ cao su là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế biến gỗ Việt Nam, nhất là với XK. Năm 2017, kim ngạch XK các mặt hàng làm từ gỗ cao su khoảng 1,7 tỷ USD (chiếm gần 23% tổng kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ từ gỗ cả nước).
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, Tổng Giám đốc công ty Minh Phát 2, hiện có hai nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất gỗ là gỗ tràm và gỗ cao su. Trong đó, nguồn gỗ cao su được các đối tác nhập khẩu tin tưởng.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự liên kết giữa các hiệp hội gỗ và cao su cũng như giữa DN hai ngành. Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các hiệp hội gỗ, hiệp hội cao su và Forest Trends đã chỉ ra thực trạng các DN chế biến gỗ nằm ngoài ngành cao su rất khó tiếp cận nguồn cung gỗ. Điều này phần nào làm méo mó thị trường cung gỗ cao su, hạn chế cơ hội phát triển của ngành chế biến gỗ.
Ông Hiệp đặt vấn đề: Ngành cao su đang có một lợi thế vô cùng lớn nhưng làm sao để biến lợi thế này thành một lợi thế thật sự, thay vì hiện tại thu được 1 tỷ USD thì phải tiến tới thu được 3 tỷ USD. Muốn làm được điều này, ngành cao su phải biết người mua là ai và cần gì.
Ông Hoàng Ích Tuân, Giám đốc thu mua của CTCP Tekcom (Bình Dương), cho biết đối với mặt hàng gỗ cao su trong nước, giá công ty thu mua thường cao nhưng nguồn và lượng mua không ổn định.
Điều đó dẫn tới, các DN không dám ký hợp đồng dài hạn với các đối tác nước ngoài khi khách hàng yêu cầu sản phẩm dùng gỗ cao su. Thông thường, các công ty nước ngoài khi đặt hàng sẽ yêu cầu đơn hàng ngắn nhất là 6 tháng.
![]() |
Gỗ cao su là một trong hai nguồn gỗ quan trọng nhất cho các nhà máy chế biến |
Cao su đang bán rẻ
Điều đáng lo ngại là, trong khi DN sản xuất XK gỗ đang thiếu nguyên liệu gỗ cao su, một lượng lớn gỗ cao su của Việt Nam lại xuất sang Trung Quốc với giá rẻ hơn thị trường trong nước.
Ông Tuân cho biết giá bình quân gỗ cao su xẻ trong nước khi DN đi mua là 330 USD/m3 giá mua vào, trong khi các công ty XK khai báo trên hệ thống hải quan đơn hàng trung bình là 200-220 USD/ m3 vì thuế XK mặt hàng này là 20%, nên Nhà nước đang bị thất thoát khoảng 90 USD/m3 đối với mặt hàng này.
Đối với mặt hàng ván bóc gỗ cao su, giá các DN thu mua bình quân trong nước là 200 USD/m3, trong khi các DN XK khai báo trên tờ khai XK trung bình là 65 USD/m3.
"Trong khoảng từ tháng 1/2016 tới 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất đi khoảng gần 2 triệu m3 gỗ quy tròn. Như vậy, trong thời gian này, với giá XK các DN khai báo trên tờ khai, Nhà nước thất thoát khoảng trên 13 triệu USD", ông Tuân cho biết.
Điều này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để ngành gỗ và cao su "bắt tay" với nhau? Ông Trần Minh – Trưởng ban công nghiệp của Tập đoàn Cao su Việt Nam, cho biết Tập đoàn Cao su hiện tại đã cổ phần hóa và mong muốn có sự liên kết trực tiếp với các nhà máy chế biến gỗ.
"Chúng tôi đã đi thăm các nhà máy chế biến gỗ tại Bình Dương và nhận thấy thực sự cần phải có sự liên kết, chứ không chỉ nói chung chung. Liên kết ở đây, chúng tôi mong muốn là liên kết về công nghệ, về quản trị", ông Minh cho biết.
Đặc biệt, theo ông Minh, các DN cao su còn muốn liên kết về vốn với các DN chế biến gỗ. "Không nhất thiết phải nắm giữ tỷ lệ vốn cao, mà chúng tôi có thể nhận liên kết với tỷ lệ vốn 5%, 10% trong nhà máy cũng được. Chúng tôi có nguyên liệu và cùng với các nhà máy để sản xuất ra sản phẩm tốt", ông Minh nói.
Thy Lê