Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu (XK) cao su trong tháng 8/2018 đạt 163 nghìn tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 870 nghìn tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng nhưng giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá giảm hơn 19%
Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 63,3%, 5,7% và 3,9%.
Tuy nhiên, giá XK cao su Việt Nam liên tục giảm do nhu cầu thị trường thấp, đặc biệt căng thẳng thương mại Mỹ – Trung góp phần làm giảm nhu cầu cao su của Trung Quốc.
Cụ thể, giá cao su XK bình quân tháng 8 ước đạt 1.269 USD/tấn giảm 5,7% so với tháng 7. Giá cao su XK bình quân 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.427 USD/tấn, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều này dẫn tới đến giữa tháng 8, giá mủ cao su trong nước cũng có cùng diễn biến giảm. Giá thu mua mủ cao su nước tại Đồng Nai giảm 500 đồng/kg xuống còn 12.500 đồng/kg so với tháng 7.
Trước thực trạng này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất và XK cao su cần đa dạng hóa mặt hàng cũng như mở rộng thị trường XK, đặc biệt là một số thị trường có tăng trưởng tốt như Ấn Độ và Nhật Bản.
Việc Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu cao su để đảm bảo nguồn cung nội địa trong thời gian tới có thể hỗ trợ cho giá cao su và thúc đẩy XK cao su tự nhiên của các nhà xuất khẩu lớn, trong đó Việt Nam.
Đồng thời, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới, với các chủng loại chủ yếu là RSS3, TSR20. Đặc biệt, thị trường cao su tại Nhật Bản có mức tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, cao su Việt Nam hiện chiếm thị phần thấp trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản, chỉ chiếm 1,2%.
Để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất, XK cao su cần đa dạng hóa mặt hàng |
Nâng chất, đa dạng thị trường
Sở dĩ cao su Việt Nam vẫn chưa XK được nhiều sang thị trường Nhật Bản là bởi thị trường này yêu cầu rất cao về chất lượng, bảo vệ môi trường, yêu cầu kinh doanh có uy tín và đảm bảo thời gian giao hàng.
Để khai thác hiệu quả thị trường Nhật Bản, theo Cục Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) Việt Nam, cần phải có hướng kinh doanh lâu dài, kiên trì trong việc lập mối quan hệ, năng lực sản xuất và chất lượng ổn định, luôn giữ uy tín thương mại, tạo điều kiện cho khách hàng đến tìm hiểu, tham quan trực tiếp cơ sở sản xuất.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn Phát triển ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam, cũng cho rằng các khách hàng hiện tại và tiềm năng hiện đã bắt đầu đặt ra yêu cầu nguyên liệu phải có chứng chỉ bền vững (Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững – FSC).
"Thời gian vừa qua, nhiều khách hàng yêu cầu điều này. Khi trả lời chưa có, chúng tôi đã bị mất một số khách hàng", bà Hoa chia sẻ.
Do vậy, phát triển bền vững chính là lối thoát cho cao su Việt Nam trong sự bế tắc kể trên, qua đó có được thị trường lâu dài và khách hàng tốt.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tăng sản lượng, tăng năng suất cao su thiên nhiên, việc nâng cao chất lượng khai thác mủ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm XK cần được DN trong ngành hướng tới.
Đồng thời, ngành công nghiệp cao su cần đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm chế biến sâu như lốp ô tô, găng tay, chỉ sợi, đệm – là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá cao su XK của Việt Nam hiện ở mức thấp, Hiệp hội Cao su Việt Nam kêu gọi các DN trong nước giảm sản lượng và không bán với mức giá thấp hơn giá thế giới.
Đồng thời, với thị trường Trung Quốc, để giảm những thiệt hại đáng tiếc như vừa qua, phương thức giao bán cần phải hiện đại hơn, nghĩa là phải ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tổ chức canh tác, giao hàng sau.
Thy Lê