Lợi dụng lúc nhu cầu tăng cao, nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm Tết giá rẻ, kém chất lượng đã được một số tiểu thương tung ra thị trường nhằm trục lợi bất chính. Các cơ quan quản lý thị trường trên khắp cả nước mới đây đã đưa ra thông báo xử lý hàng loạt vụ việc.
Nhiều loại thực phẩm được ưa chuộng mùa Tết bị làm giả
Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) vừa qua đã giám sát hàng hóa vi phạm là hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị buộc tiêu hủy gồm: 766kg bánh, kẹo, mứt, hạt các loại; 18.009 đơn vị sản phẩm (hộp, bịch, vỉ, gói, hũ…) bánh, kẹo, mứt các loại, có tổng trị giá 264.139.000 đồng.
Ngoài ra còn có 200kg hạt hướng dương; 200kg hạt mắc ca; 11.400 cây kẹo trứng ốp la; 4.800 hộp kẹo que, 110 vỉ kẹo hình Pokemon; 100kg hạt nhựa đào, 45kg táo khô; 66kg mứt táo, bí, gừng; 114 hộp sô cô la không rõ xuất xứ…
Tương tự, tại tỉnh Phú Thọ hồi đầu tháng 1 vừa qua, cơ quan quản lý thị trường cũng đã tổ chức tiêu hủy trên 23.000 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số sản phẩm trên có trị giá gần 100 triệu đồng, gồm bia lon, rượu chai, hạt ngũ cốc, bánh quy, kẹo hình dạng mắt, cánh gà tẩm ướp, cổ vịt tẩm ướp gia vị, chân gà tẩm gia vị, thịt bò khô ăn liền, thịt lợn ăn liền, xúc xích ăn liền, xúc xích tẩm gia vị, măng củ ngâm...
![]() |
Bánh kẹo có dấu hiệu nhái các thương hiệu lớn được rao bán trên mạng xã hội. |
Tất cả các loại hàng hóa bị tiêu hủy nêu trên đều là những loại bánh kẹo, mứt, hạt, đồ ăn liền… được người dân ưa chuộng và sử dụng rất nhiều trong dịp Tết. Một số là hàng nhập lậu, còn lại nhiều sản phẩm giả được làm ra với công nghệ tinh vi, có hình thức, bao bì đẹp, dán tem nhãn, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt không khác gì các thương hiệu chính hãng.
Dù cơ quan quản lý thị trường, lực lượng chức năng bắt giữ và tiêu hủy một số lượng lớn nhưng những sản phẩm giả, nhái tương tự vẫn còn tồn tại không ít trên thị trường, rất khó để kiểm tra, kiểm soát, gây ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.
Thông qua quan sát có thể thấy các sản phẩm này thường hay được bày bán tại những nơi ít được kiểm soát về nguồn gốc của hàng hóa như các chợ truyền thống, cửa hàng, tiệm tạp hoá và đặc biệt là tràn lan trên “chợ mạng” Facebook, Zalo… với giá rẻ hơn nhiều so với các loại hàng chính hãng, khiến nhiều người tiêu dùng "sập bẫy".
Theo Phó Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Đào Văn Thanh: “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ lại có thể gây ra những nguy cơ lớn đối với tình trạng mất an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024”. Cụ thể, qua kiểm tra thực tế, cơ quan quản lý nhận thấy, ý thức, kiến thức về an toàn thực phẩm của người sản xuất, người kinh doanh tại các cơ sở nhỏ lẻ còn hạn chế. Thêm vào đó, vì lợi nhuận, họ cũng bất chấp các quy định về an toàn thực phẩm.
Thông qua quan sát thực tế tại một số chợ đầu mối, chợ dân sinh nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa trong khu dân cư hay thậm chí ở khu phố buôn bán bánh kẹo tập trung, người tiêu dùng dễ bắt gặp các loại bánh kẹo, mứt Tết có chữ Việt Nam được bán theo cân không có bao bì được bán với giá chỉ từ 20.000-50.000 đồng/kg. Nhiều sản phẩm hộp bánh kẹo có tên rất "lạ", nhái theo các thương hiệu nổi tiếng hoặc xen lẫn với các sản phẩm nhập khẩu, như: Damisa, Denisa (nhái theo Danisa); Chocopai, Chocoopie, Choocopie (nhái theo Chocopie); các loại bánh quy Ozeo, Oroe, Borio (nhái theo Oreo),... Nếu không quan sát kỹ, khách mua hoàn toàn có thể nhầm lẫn với các thương hiệu bánh có tiếng trên thị trường.
Ngoài ra, ở trên các trang mạng Facebook, Zalo cũng có thể thấy những sản phẩm bánh kẹo được giới thiệu là nhập ngoại, các loại hạt dẻ cười, điều, hạnh nhân… được "đổ đống", bán theo cân với giá siêu rẻ. Giá hạt chà là khi mua sỉ thậm chí chỉ rơi vào khoảng từ 40.000-80.000/kg, trong khi giá ngoài thị trường là khoảng từ 130.000-300.000/kg.
Cần cẩn trọng khi mua hàng
Trước vấn nạn về thực phẩm giả, kém an toàn như hiện nay, các cơ quan chức năng nhận định người tiêu dùng cần phải tỉnh táo khi mua sắm và có biện pháp để tự bảo vệ mình.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên cho biết, đối với mặt hàng bánh, mứt, kẹo, vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người khi mua hàng hóa, đặc biệt là đồ thực phẩm như bánh kẹo cần xem rõ nguồn gốc xuất xứ, vì hiện nay các đối tượng tội phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái hoạt động rất tinh vi.
Đối với các sản phẩm bánh kẹo, người dân có thể chú ý đến tên nhãn hiệu, bao bì khi các loại bánh kẹo hàng giả, hàng nhái thường được in tên nhái lại các thương hiệu nổi tiếng, chỉ thay đổi một số chữ; hoặc các loại bao bì, vỏ hộp bánh kẹo giả cũng thường có màu sắc mờ, nhòe hơn, không chắc chắn như các sản phẩm chính hãng.
Đối với các loại thực phẩm như hạt, mứt Tết, xúc xích, thịt khô, người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý chỉ nên mua sản phẩm có nguồn gốc uy tín, xuất xứ rõ ràng, có tem mác và được đóng gói cẩn thận. Tránh mua các loại sản phẩm được bày bán theo cân, túi… vừa có nguy cơ là hàng kém chất lượng vừa không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, người dân cần phải lựa chọn những địa điểm bán hàng có uy tín, chất lượng. Khi mua hàng trên mạng cần mua từ những nguồn đã được kiểm định, mua từ gian hàng chính hãng của các thương hiệu hay các người bán, đơn vị phân phối có giấy phép, hóa đơn chứng từ rõ ràng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Về phía hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm từ các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, Cục xác định việc đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, trong cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng sẽ tăng cường quản lý, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn. Đồng thời, kết hợp với lực lượng khác trên các địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn.
Bích Tâm