Giá cà phê tăng đến 600 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 65.100 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 65.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 65.900 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê thu mua ở mức 66.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 65.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 65.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 65.400 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 65.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê trong nước đã lấy lại mốc 66.000 đồng/kg. Điều này cũng cùng với dòng chảy của giá cà phê thế giới. Ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá hầu hết các loại hàng hóa tăng đột biến từ cuối tháng 2 đến nay, kéo theo đó là mức lạm phát cao ở nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn duy trì ở mức cao bất chấp việc nhu cầu tiêu thụ thường sụt giảm mỗi khi thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế.
Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Colombia, nước này cũng đang chật vật trong việc phục hồi các vườn cà phê sau đợt tàn phá của những cơn mưa lớn.
Báo cáo Thương mại tháng 8 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 giảm 1,59% so với cùng kỳ năm trước, xuống 10,21 triệu bao. Lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 10 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đạt 103,74 triệu bao, giảm hơn 5,72% so với cùng kỳ niên vụ trước. ICO cũng duy trì dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao trong niên vụ cà phê sắp tới 2023/2024.
Sau đợt giảm giá mạnh, người dân Brazil tập trung vào thu hoạch giai đoạn cuối. Việc thiếu nguồn cung tạm thời kết hợp với báo tồn kho tại hai sàn giảm xuống mức thấp trong nhiều năm đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ trên sàn này quay lại mua vào.
NY