Xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung không dồi dào nhưng đây cũng là yếu tố thúc đẩy giá đi lên. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 64.900 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 65.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 65.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê thu mua ở mức 65.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 65.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 65.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 65.000 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 65.000 đồng/kg.
Tính từ tuần trước đến nay, cà phê trong nước thêm trung bình 1.400 đồng/kg. Giá cà phê Robusta kéo dài chuỗi hồi phục do nguồn cung toàn cầu chưa có dấu hiệu cải thiện trong ngắn hạn.
Có thể thấy, sau nhiều đợt tăng giá từ đầu năm 2023 đến nay, giá cà phê trong nước đến nay đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước và tăng tới 62 – 65% so với thời điểm cuối năm 2022.
Điều này được lý giải là do nguồn cung cà phê trên thế giới đang bị thu hẹp và sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sang Robusta thay thế cho Arabica đang mở rộng triển vọng tăng trưởng về nhu cầu và kim ngạch xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam trên toàn cầu.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023 - 2033.
Đáng chú ý, trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cà phê Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ tại những quốc gia vốn là cường quốc cà phê thế giới như Ý, Đức, Pháp, Hoa Kỳ…
Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cà phê nội địa Việt Nam cũng tăng trưởng tích cực, từ 0,5kg/người vào năm 2012 lên trên 2kg/người vào năm 2022, chiếm trên 13% tổng sản lượng cà phê cả nước. Giá cà phê nội địa tăng từ khoảng 38.000 đồng/kg năm 2012 lên mức 43.500 đồng/kg năm 2022 và hiện là gần 66.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ thời gian tới của các nước vẫn còn "cứng rắn", chỉ số đồng USD tăng đẩy vàng và Arabica giảm, tuy nhiên tồn kho thấp sẽ giúp Robusta tiếp tục hồi phục. Chính vì vậy dư địa để giá cà phê tăng vẫn còn.
Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý 3/2023 sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta.
NY