Ông Nguyễn Đức Thiệu, chủ DN trong ngành bao bì nhựa ở Hà Nội, than vãn vừa bán lỗ toàn bộ nhà máy sản xuất bao bì với hệ thống máy móc dây chuyền nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do máy mới nhưng chạy ra sản phẩm không ưng ý, dư thừa công suất, không như dự tính ban đầu là thấy máy giá rẻ, khả năng hoàn vốn cao nên nhập về để mở rộng thị trường…
Ngậm đắng với giá rẻ
"Khi chào mời để bán nhà máy, nhiều đối tác khá hào hứng, nhưng khi họ hỏi máy móc công nghệ của nước nào, mình trả lời thật thì họ tỏ vẻ thất vọng. Chúng tôi phải vất vả chạy ngược chạy xuôi tìm đối tác từ Bắc đến Nam trong suốt ba năm mới bán được, nhưng là bán lỗ. Thực ra, người mua nhắm vào giá trị bất động sản của khu nhà máy chứ không phải mấy cái máy móc đó", ông Bình chia sẻ.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy khoảng 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết của cả nước hiện nay là từ Trung Quốc. Ngay như Nhật Bản hay Hàn Quốc, những quốc gia nổi tiếng hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ máy móc, thiết bị cũng đành xếp sau tại thị trường Việt Nam. Tại sao lại như vậy?
Giới chuyên gia cho rằng lợi thế giá rẻ khiến cho nhiều loại máy móc thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập nhiều vào Việt Nam. Các đối tác Trung Quốc cũng biết chớp cơ hội từ chính sách cấm nhập máy móc cũ ở Việt Nam, họ sẵn sàng làm theo đơn đặt hàng ở mọi mức giá cho DN Việt, bất chấp về chất lượng, độ bền kém…
Số liệu hồi năm ngoái chỉ rõ kim ngạch nhập máy móc, thiết bị, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên đến 10,87 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2016. Còn tính riêng 4 tháng đầu năm nay, các DN ở Việt Nam đã bỏ ra 3,38 tỷ USD để nhập khẩu máy máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc.
Lý giải vì sao máy móc Nhật Bản nhập vào Việt Nam lại ít hơn Trung Quốc lẫn Hàn Quốc, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại MTA Vietnam 2018 diễn ra ở Tp.HCM ngày 3/7, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM, cho rằng vì giá bán của máy móc Nhật cao hơn.
"Thực ra chúng tôi chưa có một phân tích nào cụ thể và xác đáng về vấn đề này. Nhưng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho máy móc thiết bị của Nhật không được mua nhiều như của Trung Quốc hay Hàn Quốc là do vấn đề giá cả. Giá cả của máy móc Nhật chắc chắn sẽ cao hơn", ông Takimoto chỉ rõ.
Điều quan trọng nhất là hiệu quả của máy móc nhập khẩu |
Cần cân nhắc kỹ
Theo vị lãnh đạo của JETRO, nếu so sánh với Hàn Quốc, số dự án và số vốn của DN nước này đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, cao hơn các DN Nhật Bản nên máy móc, thiết bị, công nghệ của Hàn Quốc cũng đi theo. Đó là lý do khiến cho máy móc nhập khẩu từ Nhật phải xếp sau.
Tuy nhiên, có một điều mà ông Takimoto lưu ý, đó là các nhà sản xuất máy móc Nhật Bản rất tự tin vào bí quyết công nghệ của mình và chiến lược của họ là làm sao để khác biệt hóa về mặt công nghệ để cạnh tranh về mặt công nghệ và về độ chính xác trong công nghệ của mình hơn là chạy theo cạnh tranh về giá cả.
Theo nhận định, việc nhập khẩu máy móc giá rẻ của Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng từ Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về cấm nhập khẩu máy móc cũ đến nay đã trải qua hai năm có hiệu lực. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục có những đề xuất mới để linh động hơn trong thông tư này.
Thông tư 23 hiện đang áp dụng cơ chế quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng dựa trên tiêu chí "tuổi" máy móc, thiết bị. Theo đó, tất cả các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng sẽ phải chịu chung cơ chế quản lý và tiêu chí để xác định sẽ là "tuổi của thiết bị".
Theo VCCI, về mặt logic, không phải loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng tiềm ẩn nguy cơ cao tới mức phải kiểm soát bằng cơ chế đặc biệt. Thậm chí với nhiều trường hợp, nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng còn là cơ hội để DN và nền kinh tế tiếp nhận công nghệ tốt với giá hợp lý.
Cần nhấn mạnh thêm, như phản ánh của JETRO, nhiều DN Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục gặp khó khi nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng khiến hoạt động mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất bị cản trở trong khi những máy móc thiết bị này đáng lẽ vẫn còn hoạt động hiệu quả trong nhiều năm nữa.
Không chỉ DN Nhật gặp khó trong vấn đề này, mà ngay cả các DN trong nước cũng đang mắc phải, nên việc DN Việt lựa chọn nhập khẩu máy móc giá rẻ từ Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Thế Vinh