Cụ thể, 18 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; tủ bếp và tủ nhà tắm; ghế sofa có khung gỗ; đá nhân tạo bằng thạch anh; gạch men; xe đạp điện; vỏ bình ga; ghim đóng thùng; gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục; pin năng lượng mặt trời; thép carbon chống ăn mòn; ống thép hộp và ống thép tròn; cáp thép dự ứng lực; máy giặt dân dụng cỡ lớn; thép hình cán nóng; dây và cáp nhôm; nhôm thanh định hình; mặt bích bằng thép không gỉ.
Gỗ dán là 1 trong 18 mặt hàng có nguy cơ bị Mỹ điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. |
Cụ thể, với sản phẩm, gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Mỹ. Các mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99. Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7/2019. Mỹ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 378,9 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 27,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Mỹ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.
Sau nhiều lần gia hạn, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc vào tháng 7/2023. Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh.
DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Mỹ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh.
Đối với sản phẩm mặt bích bằng thép không gỉ xuất khẩu sang Mỹ, mã HS tham khảo: 7307.21. Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm mới được đưa vào danh sách cảnh báo. Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mặt bích bằng thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2018.
Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt bích bằng thép không gỉ của Việt Nam sang Mỹ đạt 24,5 triệu USD, tăng 45,5% so với giai đoạn trước. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 9,6% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
"Đây là mặt hàng có rủi ro bị Mỹ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm này", Bộ Công Thương cho biết.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tần suất ngày càng gia tăng của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, nhất là các vụ việc nhắm vào các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Hai Bộ trưởng đều nhất trí đánh giá việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày 10/09/2023 vừa qua là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự thịnh vượng chung giữa hai quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nhắc lại tầm quan trọng của vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, đề nghị Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ để đẩy nhanh và sớm hoàn tất trong năm 2023 tiến trình xem xét khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh sớm nhất nhằm sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam theo tinh thần Tuyên bố chung ngày 11/9/2023 và Kế hoạch hành động đã thống nhất giữa Lãnh đạo hai nước.
Lê Thúy