Vào ngày 18/7, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) tổ chức phiên điều trần trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với tấm trải sàn vinyl có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
Đây là cơ hội để các bên liên quan bày tỏ quan điểm về vụ việc, là một trong các cơ sở quan trọng để DGTR đưa ra các kết luận điều tra trong vụ việc.
Bất lợi luôn rình rập
Trước đó, hồi tháng 1/2022, DGTR đã khởi xướng điều tra vụ việc sau khi nhận được đơn khiếu nại của các công ty TNHH Welspun India, Welspun Flooring, Welspun Global Brands.
Các công ty này cáo buộc các đối thủ bán phá giá sản phẩm nêu trên tại thị trường Ấn Độ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại trong nước kể từ tháng 9/2019.
Để tránh bất lợi cho xuất khẩu trước “đòn” phòng vệ thương mại từ nước ngoài đòi hỏi các DN Việt cần chủ động ứng phó, có các phương án dự phòng. |
Nếu việc bán phá giá được xác định là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước, thì DGTR sẽ đề xuất việc áp đặt nghĩa vụ chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu này.
Theo giới chuyên gia, việc không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ theo yêu cầu của DGTR có thể dẫn tới việc DGTR sử dụng các chứng cứ bất lợi sẵn có làm căn cứ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá ở mức cao.
Không chỉ vậy, việc bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu (XK) Ấn Độ vào tay các đối thủ Ấn Độ hoặc các quốc gia khác.
Điều này cũng có thể thấy rõ trong chuyện XK mật ong sang Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 410,93-413,99%. Sau đó, vào tháng 4/2022 mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong mà DOC áp dụng chính thức cho các DN Việt Nam đã giảm xuống còn 58,74-61,27%.
Tuy nhiên, với mức thuế này, mật ong Việt Nam vẫn ở thế yếu khi cạnh tranh với mật ong của nhiều nước khác xuất khẩu vào Mỹ. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ ở mức 5,85% trong khi mức áp dụng đối với Việt Nam lên 58,74-61,27%. Với mức thuế này, mật ong của Việt Nam không thể cạnh tranh được mật ong của Ấn Độ tại thị trường Mỹ.
Cùng với các vụ việc nêu trên, tính đến tháng 7/2022, hàng hoá XK của Việt Nam là đối tượng của 214 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Theo ước tính cứ khoảng 2 tuần là hàng XK lại đối mặt phải ứng phó với một vụ việc phòng vệ thương mại mới của nước ngoài.
Điều đáng nói là không chỉ đối với những mặt hàng có kim ngạch XK lớn mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng bị điều tra phòng vệ thương mại.
Tiếp tục cảnh báo sớm, doanh nghiệp chủ động ứng phó
Tuy vậy, một số vụ việc thắng kiện gần đây đã cho thấy năng lực của doanh nghiệp (DN) Việt đã được nâng lên trước “đòn” phòng vệ từ nước ngoài. Đơn cử như thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vào thượng tuần tháng 7/2022 về việc Australia chấm dứt thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia.
Theo đó, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã quyết định không tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa thuộc đối tượng rà soát.
Hoặc như hồi cuối tháng 6/2022, Ủy ban Thuế quan (TC) Philippines đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với hạt nhựa mật độ cao (High-Density Polyethylene – HDPE) (thuộc mã AHTN 3901.20.00) nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phía TC kiến nghị Bộ Công Thương Philippines áp dụng mức thuế tự vệ 2% trong vòng 03 năm đối với mặt hàng này nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhựa HDPE nhập khẩu gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, mức thuế này sẽ không áp dụng đối với hạt nhựa HDPE nhập khẩu từ Việt Nam do Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển có lượng nhập khẩu dưới 3%.
Giới chuyên gia cho rằng việc chủ động ứng phó với các vụ việc điều tra chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hoá XK của Việt Nam và nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho các ngành sản xuất, XK là cực kỳ quan trọng.
Về phía Bộ Công Thương cũng đã và đang theo dõi biến động XK của 36 nhóm mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, DN và các bên liên quan khác.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đã có hiệu lực, XK gia tăng, đi kèm tăng số vụ việc phòng vệ thương mại. Và gần đây cũng ghi nhận nhiều vụ việc mà Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh DN không bán phá giá, Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN.
Nhất là việc XK sang các thị trường chủ lực nhưng thường xuyên phải vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại như Mỹ, Canada, Australia, Ấn Độ…không chỉ được giải quyết ở cấp độ song phương mà Việt Nam còn khiếu nại trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Trong đó có 4 vụ việc với phán quyết tích cực cho hàng hoá của Việt Nam.
Ở góc độ địa phương đang phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp phục vụ cho hoạt động XK, ông Nguyễn Ngọc Phi, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng các DN nên chủ động tìm hiểu các quy định về phòng vệ thương mại của quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn. DN phải coi chuyện phòng vệ thương mại của nước ngoài là rào cản mà DN có thể gặp trong quá trình XK, để chủ động có phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải.
“Các DN cần tối ưu hoá sản xuất, đầu tư đúng mức cho chất lượng sản phẩm thông qua việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn từ nguồn nguyên liệu, tiêu chuẩn mẫu mã hàng hoá…Khi có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì DN phải phối hợp chặt chẽ và kịp thời với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ pháp lý”, ông Phi chia sẻ.
Thế Vinh