Không tăng giá bán, ổn định nguồn cung
Theo ghi nhận của VnBusiness, tại Hà Nội, nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm bánh kẹo và các trung tâm thương mại, siêu thị như Vinmart, GO!/Big C, Tops Market, … các sản phẩm bánh kẹo đa dạng từ mẫu mã, thương hiệu đến giá thành đã bắt đầu được trưng bày trên các gian hàng để người tiêu dùng có những lựa chọn ưng ý. Đáng chú ý, bên cạnh bánh kẹo nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc..., các sản phẩm đến từ những thương hiệu nổi tiếng trong nước như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Orion… đều được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Năm nay kinh tế khó khăn nên xu hướng của người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu, vì vậy mà việc tìm mua các sản phẩm “Made in Vietnam” cũng được nhiều khách hàng lựa chọn. Theo ghi nhận, các sản phẩm trong nước chiếm khoảng 90% lượng bánh kẹo được bày bán tại các siêu thị, phù hợp với tiêu chí của phần lớn người tiêu dùng là lựa chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền và cả nhu cầu sử dụng.
Các sản phẩm bánh, kẹo nội địa chiếm ưu thế trong các siêu thị dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. |
Các sản phẩm bánh kẹo nội địa được đưa ra thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn có mẫu mã đẹp không thua kém hàng ngoại, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá sản phẩm bánh kẹo tại các cửa hàng và hệ thống siêu thị dao động từ 30.000 đến 400.000 đồng/hộp, một số sản phẩm thiết kế phiên bản đặc biệt cho dịp Tết, gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa như “Sum họp an lành”; Xuân sung túc” ... có giá từ 149.000 đến 400.000 đồng/hộp.
So với những năm trước, năm nay giá thành bánh kẹo tăng chủ yếu đến từ bao bì sản phẩm: giá các loại hộp bao bì Tết bằng giấy tăng nhẹ từ 1.000 đến 3.000 đồng và tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng với các loại hộp bao bì Tết bằng thiếc. Các sản phẩm bánh kẹo loại hộp nhựa giữ giá như năm ngoái.
Cụ thể các loại bánh quy có giá phổ biến 49.000-300.000 đồng/hộp tùy chất lượng, mẫu mã, bao bì (hộp giấy hoặc hộp thiếc), các loại kẹo 50.000-200.000 đồng/kg, các loại mứt tết, hạt, trái cây sấy khô có giá phổ biến 35.000-350.000 đồng/kg, gói tùy trọng lượng, bao bì... Ngoài ra, các sản phẩm như hạt dưa, hạnh nhân, mắc ca, hạt điều, hạt sen sấy, hạt dẻ, do doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá bán dao động ở mức 65.000 đến 70.000 đồng/kg; hướng dương nhập khẩu của Nga có giá bán 125.000 đồng/kg; hạt bí có giá 100.000-120.000 đồng/kg, hạt dưa có giá 110.000 đồng/kg trở lên.
Các loại lương thực, thực phẩm hàng Việt giá cả cũng chỉ bằng từ 30 - 50% so với hàng nhập ngoại. Qua tìm hiểu, nguyên nhân hàng Việt có giá thấp là do các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí vận chuyển, thuế phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn đầu tư nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã nên đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Các loại mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt táo, mứt chùm ruột, mứt sen, trái cây sấy đang được tiêu thụ rất mạnh.
Hàng Việt chiếm ưu thế trong kênh bán lẻ
Tại hệ thống các siêu thị lớn như Winmart, GO!/Big C, Tops Market,… các loại bánh mứt kẹo của Việt Nam được trưng bày nổi bật, bắt mắt và luôn chiếm ưu thế trên các kệ hàng.
Chị Nguyễn Thị Hải ở quận Bắc Từ Liêm Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã sử dụng các loại mứt trái cây sấy dẻo bán ở siêu thị. Loại mứt được sấy bằng máy nên giữ màu, ít ngọt, hương thơm tự nhiên, rất dễ sử dụng. Giá niêm yết, địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất, thành phần được niêm yết công khai trên từng sản phẩm nên tạo được lòng tin. Tôi động viên anh chị em trong gia đình mua các loại mứt này đãi khách ngày tết không cần phải mua hàng ngoại nhập chi cho tốn tiền”.
Không chỉ chuỗi siêu thị mà cả ở các chợ quê trên địa bàn Hà Nội cũng có hơn 90% sản phẩm được bày bán là hàng Việt. Riêng các mặt hàng bánh kẹo truyền thống như bánh cốm, bánh dừa nướng, bánh đậu xanh được sản xuất tại Hải Dương có mức giá rất hợp túi tiền, chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/gói nên có sức tiêu thụ rất mạnh.
Anh Trần Văn Trang, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mặc dù trên thị trường có đầy đủ các loại bánh kẹo nhập khẩu từ Nhật Bản, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đa dạng về chủng loại, chất lượng, nhưng khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn bánh kẹo sản xuất trong nước, phổ biến là các loại đặc trưng ngày Tết, giá cả hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Bên cạnh việc đặt hàng từ các nhà cung cấp trong nước, chúng tôi cũng nhập sản phẩm của các cơ sở sản xuất bánh mứt Tết tại địa phương; trong đó đa phần là sản phẩm làm thủ công, truyền thống như mứt gừng, dừa, bánh hạt dinh dưỡng”, anh Trang thông tin thêm.
Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết: Những sản phẩm này chủ yếu là hàng gia công tại các làng nghề, nên giá bán khá rẻ. Cụ thể bánh kẹo sản xuất từ nguyên liệu trong nước như kẹo dẻo, rau câu có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, kẹo đậu phộng từ 60.000 - 80.000 đồng/kg…
Nhằm phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị lớn đã triển khai và áp dụng nhiều chương trình ưu đãi khuyến mãi đối với các sản phẩm bánh kẹo để mang đến chất lượng tốt nhất cho khách hàng.
Hệ thống siêu thị GO! Big C đồng loạt triển khai chương trình khuyến mãi “Tết rồng vàng ngàn ưu đãi”, giảm từ 10 đến 20% với các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết..., áp dụng từ ngày 01/01 trên toàn quốc. Bên cạnh đó, siêu thị cũng áp dụng chính sách Khoá giá, cam kết không tăng giá bán Tết với hơn 10.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Nguyễn Hạnh