Tết Nhâm Thìn 2012 đang đến gần, mặt hàng bánh kẹo sản xuất trong nước tiếp tục chiếm thế áp đảo so với hàng ngoại nhập. Đây là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo trong nước. Tuy nhiên, để khẳng định được vị thế vững chắc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ Việt Nam, mỗi DN vẫn cần có một chiến lược dài hơi hơn.
Những năm trước, cùng với sự mở cửa hội nhập, các mặt hàng bánh kẹo ngoại, đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... có cơ hội xâm nhập thị trường Việt. Cơ cấu giữa hàng nội - hàng ngoại luôn cân bằng. Thậm chí, có nhiều năm, bánh kẹo Trung Quốc tràn ngập thị trường, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn vì giá rẻ, hình thức bắt mắt...
Nắm bắt thời cơ
Tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, đặc biệt là từ sau cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN đã dần nhận thấy thời cơ để vượt lên, nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nhiều DN như: Bibica, Kinh Đô, Tràng An, Hải Hà - Kotobuki... đã tập trung mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Nhờ vậy, uy tín các sản phẩm bánh kẹo trong nước cũng đang dần được nâng lên. Lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng nội ngày càng được củng cố.
Thực tế, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo ra sự thay đổi lớn trong ý thức của người tiêu dùng. Đối với nhiều người, việc sử dụng hàng Việt ngoài ý nghĩa “tiết kiệm” trong khủng hoảng, còn thể hiện tinh thần dân tộc. Đó là lý do khiến không chỉ mặt hàng bánh kẹo mà nhiều mặt hàng khác có điều kiện chinh phục thị trường nội địa. Mặt khác, trong những ngày vừa qua, liên tiếp có thông tin về các sản phẩm bánh kẹo từ nước ngoài được nhập vào Việt Nam không rõ nguồn gốc đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, khiến người tiêu dùng trong nước càng e ngại.
Nhận thấy đang hội đủ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, từ giữa năm 2011, song song với kế hoạch sản xuất các sản phẩm tiêu thị thông thường, các DN đã tập trung sản xuất hàng phục vụ Tết. Ông Lê Văn Thịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh Đô cho biết Tết này, Công ty sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 3.200 tấn bánh kẹo các loại, tăng 15% sản lượng so với cùng kỳ. Đặc biệt, Kinh Đô đã cho ra mắt bộ quà Tết cao cấp: Hương Xuân, Korento và Story theo công thức Cookies truyền thống của châu Âu, sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Italia. Bên cạnh đó, dòng bánh Cookies truyền thống của Kinh Đô cũng không ngừng cải tiến trong công nghệ sản xuất, giúp chất lượng, mùi vị bánh ngày càng thơm ngon với mục tiêu phục vụ nhiều đối tượng khách hàng.
Bibica dự kiến tung ra thị trường khoảng 5.000 tấn sản phẩm bánh kẹo, chocolate các loại, tăng 15% so với Tết năm ngoái. Nổi bật trong sản phẩm bánh Tết hơn 150 chủng loại là dòng bánh cao cấp nhãn hiệu Goody để cạnh tranh trực tiếp với các dòng bánh nhập ngoại cả về chất lượng và mẫu mã, giá bán thấp hơn 20 - 30%”...
Cần tính xa hơn
Đại diện siêu thị Big C cho biết, năm nay, thị phần bánh kẹo ngoại chỉ chiếm khoảng 10%, trong đó chủ yếu là chocolate và các loại kẹo trái cây.
Theo các nhà phân phối, giá bánh kẹo nội năm nay hội đủ các yếu tố để cạnh tranh và lấn át được hàng ngoại vì theo tính toán, do giá USD tăng mạnh nên hàng nhập từ các nước châu Âu bị đội giá lên khá cao. Dự kiến năm nay, các mặt hàng ngoại sẽ có mức giá cao hơn từ 5 - 10% so với hàng trong nước. Mặt khác, thương hiệu của một số nhà sản xuất trong nước như: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà - Kotobuki... đã được khẳng định. Sản phẩm mà các hãng này tung ra thị trường năm nay cũng có nhiều mặt hàng cao cấp, chất lượng tốt, mẫu mã sang trọng không thua hàng ngoại, giá lại rẻ hơn... Dòng sản phẩm này có thể dùng làm quà biếu, tặng, hấp dẫn người tiêu dùng tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Tp.HCM...
Đối với phân khúc thị trường nông thôn, các DN cũng đưa ra được nhiều sản phẩm bánh, mứt, kẹo phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Thêm vào đó, các DN trong nước lại có hệ thống phân phối rộng khắp, vượt xa các DN nước ngoài, nên hoàn toàn có thể làm chủ thị trường này.
Rõ ràng, mặt hàng bánh kẹo trong nước đang chinh phục người tiêu dùng bằng chính chất lượng, mẫu mã, giá cả và dịch vụ tiện ích. Đây là biện pháp lâu bền và hiệu quả nhất để đẩy lui hàng ngoại, đánh bật hàng kém chất lượng.
Hiện nay, các DN lớn đang rất nỗ lực tận dụng và phát huy các lợi thế để dần chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ, các mặt hàng ngoại nhập sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, đủ sức cạnh tranh về giá với hàng nội. Lúc đó, nhiệm vụ của các DN trong nước sẽ càng nặng nề hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng nhân điều kiện này, khi hàng nội đang có nhiều ưu thế so với hàng ngoại, các DN trong nước nên tận dụng thời cơ, tiếp tục đầu tư, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối để chiếm lĩnh thị trường. Về lâu dài, mục tiêu không chỉ chinh phục thị trường trong nước, mà còn có thể vươn ra các thị trường quốc tế...
Lan Uyên