Đây là một phần chia sẻ của ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) gửi tới VnBusiness sau khi tham dự phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, diễn ra ngày 28/2.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị quy định chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm. |
Ông Tây cho rằng, trong Nghị định mới, nên dùng từ doanh nghiệp bán lẻ chứ không dùng từ là đại lý bán lẻ, bởi vì có những doanh nghiệp chuyên bán lẻ có nhiều cửa hàng và giá trị tài sản hàng ngàn tỷ đồng.
Đồng thời, Giám đốc Công ty Bội Ngọc yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở nhiều nguồn. "Chính vì Nghị định 95 cho doanh nghiệp bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi duy nhất. Nên thời gian qua đã đứt gãy nguồn hàng và nguy cơ sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, nhất quán quan điểm doanh nghiệp bán lẻ cần được lấy hàng từ nhiều nguồn để nguồn cung được đảm bảo hơn", ông chia sẻ.
Cùng với đó, vị đại diện doanh nghiệp này dẫn quy định tại khoản 1, Điều 7, TT 104/2021 của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu: “Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu gồm: chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ của đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa”.
Đánh giá quy định này quá chung chung, nên ông Tây yêu cầu sửa lại “Điều 38a trong công thức giá cơ sở như: Phần chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này tạm gọi là chi phí cơ bản phải phân chia rõ ở 03 khâu là doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
Trong đó, riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị từ 5-6%/giá bán lẻ, doanh nghiệp mới đủ trang trải chi phí hoạt động để trả lương cho nhân viên, điện nước, hao hụt, sửa chữa máy móc thiết bị, trả lãi ngân hàng, chi phí mặt bằng, chi phí quản lý kinh doanh, và các chi phí cơ hội khác. Phần chi phí cơ bản này thuộc sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ, và được ghi trong giá cơ sở.
Ngược lại, nếu không phân chia rõ thì sau này thị trường sẽ tiếp tục bất ổn là điều khó tránh khỏi. Vì không ai dám đảm bảo là doanh nghiệp đầu mối lại hạ chiết khấu xuống bằng 0 đồng.
Thêm vào đó, lý do vì sao mà doanh nghiệp bán lẻ yêu cầu lấy ở nhiều nguồn, bởi vì cần phải áp dụng theo Luật cạnh tranh sẽ góp phần điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu, làm cho nguồn cung không bị đứt gãy. Đồng thời, có phần thù lao tăng thêm do cạnh tranh mang lại. Đây chính là phần thị trường, và là định hướng của Nhà nước.
"Nếu không cho lấy nhiều nguồn, thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ không có phần thù lao mềm này, và thị trường trở nên co cứng, nguồn cung bị giới hạn. Chẳng hạn như nhà cung cấp nào bị rút giấy phép thì sẽ ảnh hưởng hàng loạt.
Được biết, phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và tổng hợp lại các kết quả của Phiên giải trình, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan về 8 vấn đề của ngành xăng dầu gồm: nguồn cung, dự trữ, giá, Quỹ Bình ổn giá, điều kiện kinh doanh, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Trong quá trình tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thy Lê