Trong quý 1/2023 vừa qua, tổng doanh thu và sản lượng toàn thị trường TMĐT tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế như hiện nay, tuy nhiên Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) dự báo tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam cả năm nay vẫn có thể đạt trên 25%. Như vậy, TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế “sáng” nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định.
Người tiêu dùng Việt chọn TMĐT vì giá cả
Còn theo dự báo mới đưa ra từ CTCP Khoa học Dữ liệu Metric, trong quý 2/2023, doanh thu trên bốn sàn thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo), không kể TikTok Shop, sẽ đạt hơn 37.000 tỷ đồng với 390 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra.
Lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam tăng trưởng nhanh và ổn định, nhưng cần định hướng phát triển bền vững để có thể đi được đường dài. |
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất từ Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me về mức độ sử dụng và phổ biến của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) thì Shopee là sàn TMĐT phổ biến và được người tiêu dùng Việt sử dụng nhiều nhất.
Sàn này được người tiêu dùng Việt lựa chọn khi mua sắm các sản phẩm về chăm sóc sắc đẹp, thời trang cùng các sản phẩm dành cho mẹ và bé. Cũng theo Q&Me, người tiêu dùng Việt lựa chọn giá cả là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn sàn TMĐT.
Theo đánh giá, trong số 5 sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam hiện nay (gồm Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Tiki, Sendo) thì Shopee đang dẫn đầu thị phần về doanh thu với 24.700 tỷ đồng, chiếm hơn 63% tổng doanh thu của năm sàn. Sản lượng giao dịch trên Shopee đạt 289,7 triệu đơn vị sản phẩm. Đứng thứ hai là Lazada, với doanh thu 7.500 tỷ đồng, bằng 30% thành tích của Shopee và chiếm 19,1% thị phần.
Còn TikTok Shop dù là đơn vị rất mới (chức năng TMĐT của nền tảng này mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong 10 tháng trở lại đây) nhưng đã vươn lên vị trí thứ ba, với 6.000 tỷ đồng doanh thu - tương đương 15,5% thị phần.
Chia sẻ gần đây về sự trỗi dậy của TikTok trên lĩnh vực TMĐT, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc của Tiktok Việt Nam, cho rằng Tiktok đã dồn sức để giúp người tiêu dùng Việt hiểu rằng TMĐT là điều rất bình thường, đó là hơi thở của cuộc sống, vừa mua sắm và vừa giải trí.
Theo ông Thanh, việc sử dụng công nghệ cho TMĐT để làm sao vừa mua được hàng hoá chính hãng vừa giảm được chi phí của hàng chục triệu người dùng Việt Nam trong thời kỳ kinh tế khó khăn là rất quan trọng.
Xét về vị trí của lĩnh vực TMĐT hiện nay, trong cuộc khảo sát người tiêu dùng năm 2023 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy xu hướng mua sắm trực tuyến (online) không còn “bùng nổ mang tính độc tôn” như thời điểm dịch Covid 19 bùng phát, nhưng vẫn cho thấy mức độ rất phổ biến, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ.
Theo đó, cùng với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ Internet, sự phát triển của TMĐT, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, có điểm cần lưu ý là các nhà bán hàng nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp được dự đoán sẽ dần rút lui khỏi thị trường, lợi nhuận sẽ đổ về các nhà bán hàng thực sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên TMĐT.
Cần định hướng phát triển bền vững
Trong báo cáo mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp cùng Lazada và nhóm chuyên gia thực hiện về lĩnh vực TMĐT trong năm 2023, có nhấn mạnh đến định hướng phát triển bền vững cho ngành TMĐT trong những năm tới.
Nhất là khi quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm ngoái đạt tới 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Theo ước tính, có tới gần 60 triệu người Việt tham gia mua hàng online với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 – 285 USD trong năm 2022.
Còn theo dự báo tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt tới ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực TMĐT là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.
Với những con số “biết nói” như vậy, để đạt trạng thái bền vững thì các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có chuyên môn trong lĩnh vực TMĐT.
Trong khi đó, thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cho TMĐT hiện nay vẫn đang còn khá chênh lệch và thiếu hụt so với nhu cầu từ thị trường này. Theo VECOM ghi nhận, mới chỉ có 30% nhân lực trong ngành TMĐT được đào tạo chính quy, 55% được đào tạo từ những ngành khác nhưng có liên quan đến TMĐT như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin.
Ngoài ra, trong vòng 3 năm gần đây, xu hướng các DN gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có chuyên môn về TMĐT ngày càng tăng. Có thể nói, nguồn nhân lực TMĐT tại Việt Nam hiện vẫn còn đang trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng so với nhu cầu tuyển dụng của thị trường.
Ngoài ra, rất cần khuyến khích một số nền tảng TMĐT lớn ở Việt Nam không chỉ tập trung tăng trưởng doanh số mà cần triển khai mô hình hệ sinh thái TMĐT bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.
Xét về đầu tư cho hạ tầng trong TMĐT ở Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của VECOM, đối với việc đầu tư và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, có đến gần 90% doanh nghiệp TMĐT cho biết họ có sử dụng các phần mềm quản lý tài chính, và gần 60% trong số họ cũng cho biết có sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự.
Thế nhưng, đối với việc sử dụng các hệ thống quản lý chuyên sâu hơn như CRM, ERP và SCM, con số này vẫn còn khá hạn chế với chỉ khoảng chưa đến 30% doanh nghiệp cho biết có sử dụng, và đa số trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn. Mức đầu tư vào các hệ thống này được dự kiến sẽ tăng cao trong năm tới khi kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư để thích nghi với các nhu cầu mới của khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ.
Ngoài ra, logistics được xem như là một trong những yếu tố “sống còn” của TMĐT, là “chìa khóa” tăng trải nghiệm mua sắm TMĐT của khách hàng. Cho nên, điều mong đợi là các doanh nghiệp TMĐT cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào mảng logistics bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo AI, Internet of Things (IoT) và blockchain để tối ưu hóa hoạt động logistics.
Thế Vinh