Giá trị cụ thể của thỏa thuận này chưa được công bố. Nó diễn ra sau khi Uber có đợt IPO đáng thất vọng hồi tháng 5 vừa qua.
Tầm nhìn “siêu ứng dụng”
Theo lời Giám đốc điều hành của Cornershop Oskar Hjertonsson, địa bàn hoạt động của công ty có trụ sở tại Santiago sẽ được mở rộng từ Mexico, Chi-lê, Canada và Peru sang thêm nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Ứng dụng Cornershop cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hóa đến tận nhà khách hàng trong vòng 1 giờ đồng hồ. Hàng hóa chủ yếu được lấy từ các siêu thị bán lẻ như Costco Wholesale Corp, Walmart Inc hay Chedraui (Mexico).
“Cho dù đó là việc đặt một cuốc xe, đặt món ăn của nhà hàng yêu thích, hoặc trong thời gian tới là đặt hàng tạp hóa, chúng tôi muốn Uber trở thành hệ điều hành cho cuộc sống hàng ngày của khách hàng”, Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi cho hay trong một tuyên bố.
Trên Twitter, vị này đăng tải một hình ảnh cho thấy Uber sẽ ra mắt một ứng dụng làm mới thương hiệu và nhiều khả năng sẽ bao gồm trọn bộ tất cả các dịch vụ Uber như taxi, xe đạp, giao hàng tạp hóa và giao đồ ăn.
Uber dự kiến sẽ hoàn tất việc mua lại Cornershop vào đầu năm 2020, tùy thuộc tiến độ phê duyệt của cơ quan chức năng.
Một đại diện của Uber cho biết công ty dự kiến sẽ trải qua quá trình rà soát của cơ quan chức năng ở cả Mexico và Chi-lê. Vị này cho hay Uber đánh giá Cornershop là một ví dụ điển hình về chiến lược mới của Khosrowshahi nhằm “cung cấp giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của mọi người”.
Nathan Lustig - Giám đốc của Magma Partners, một quỹ chuyên đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ non trẻ ở Mỹ Latinh, nhận định Uber dường như đang hướng đến xây dựng một “siêu ứng dụng” tương tự như WeChat của Tencent Holdings, hay Rappi do SoftBank rót vốn. Rappi đang mở rộng với tốc độ chóng mặt ở Mỹ Latinh, với dịch vụ giao đồ ăn đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh chính của Uber Eats.
![]() |
Cornershop đang mở rộng nhanh chóng ở Mexico |
Đa dạng hóa hoặc thất thế
Các cơ quan quản lý cạnh tranh của Mexico hồi đầu năm nay đã không đồng ý để Walmart mua lại Cornershop với giá 225 triệu USD, vì lo ngại “gã khổng lồ” bán lẻ không thể bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các đối thủ bán lẻ khác.
Ông Lustig cho rằng Cornershop đã mở rộng nhanh chóng kể từ thương vụ bất thành với Walmart, dẫn đến việc Uber nhiều khả năng phải dốc hầu bao nhiều hơn mới thâu tóm được.
“Tôi tin rằng họ đã phát triển kinh doanh gấp nhiều lần kể từ khi thỏa thuận với Walmart được công bố. Những ý tưởng và công nghệ của Cornershop đang vận hành trên toàn cầu, chứ không chỉ là vấn đề của khu vực Mỹ Latinh”, ông Lustig nói.
Trong một tuyên bố, Uber cho biết Cornershop sẽ tiếp tục hoạt động với ban lãnh đạo hiện tại và có trách nhiệm báo cáo lên một hội đồng với đa số thành viên là đại diện của Uber.
Cornershop là ứng dụng nhanh chóng trở nên phổ biến ở nhiều nơi, bao gồm cả Chi-lê, với hình ảnh nhân viên mặc đồng phục tất bật đi khắp các kệ hàng trong siêu thị để tìm mua đồ theo đơn của khách, trước khi giao cho khách trong loại túi đựng có thể tái chế.
Tin tức về thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh Uber có một loạt thông báo tương tự, khi hãng này tìm cách mở rộng ra ngoài ứng dụng taxi cốt lõi của mình.
Tuần qua, Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung thuyền ở Lagos (khu dân cư đông đúc thuộc Nigeria), bổ sung thêm tính năng cho dịch vụ taxi trực thăng tại sân bay JFK ở New York, đồng thời triển khai một ứng dụng ở Chicago để kết nối công nhân với các doanh nghiệp cần tìm người làm việc theo ca.
Uber không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải đa dạng hóa danh mục dịch vụ của mình, khi mà dịch vụ gọi xe chủ lực đang bị cạnh tranh gắt gao ở châu Á. Chưa kể rắc rối pháp lý chưa dứt ở Mỹ liên quan tới việc phân loại các tài xế Uber là nhà thầu độc lập hay nhân viên thuộc biên chế Uber.
Hải Châu