Theo hồ sơ tòa án Mỹ, Uber Technologies Inc. đã chấp nhận trả 20 triệu USD dàn xếp vụ kiện của các tài xế gần 6 năm về trước, một trong số những cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa hai bên.
Lùi bước trước người lao động
Lâu nay, các tài xế Uber vẫn đấu tranh cho quyền lợi của mình với tư cách là nhân viên thuộc Uber, chứ không phải là đối tác độc lập theo như cách phân loại của Uber. Họ cho rằng mình đáng được hưởng chế độ lương thưởng thỏa đáng.
Số tiền mà Uber chấp nhận dàn xếp chỉ bằng 1/5 lời đề nghị mà công ty này đưa ra hồi năm 2016. Thời điểm đó, Thẩm phán Edward Chen - người thụ lý vụ kiện, bác bỏ đề xuất vì thấy chưa phù hợp.
Con số 20 triệu USD đã được trình lên tòa án liên bang ở San Francisco hôm 12/3 và tiếp tục phải chờ đợi cái gật đầu của ông Chen.
Vụ kiện trên là điển hình của một tranh luận rất nóng hiện nay về khái niệm người lao động trong nền kinh tế chia sẻ, khi lực lượng này hoạt động trên các nền tảng công nghệ khác nhau, như dịch vụ giao đồ ăn, đi nhờ xe... Họ cho rằng bản thân xứng đáng hưởng đãi ngộ lương thưởng tốt hơn và phải được đối xử như nhân viên chính thống của doanh nghiệp.
Trước đó, trong năm 2018, một phán quyết của Tòa án Tối cao California cũng đứng về phía người lao động, đẩy các công ty như Uber vào thế bất lợi trong trận chiến quan điểm và ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh mà những doanh nghiệp này đang áp dụng.
Phát ngôn viên của Uber cho biết công ty “đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2013” và đã triển khai hàng loạt chương trình và ứng dụng công nghệ mới để hỗ trợ tài xế.
“Chúng tôi vui mừng vì đã đi đến thỏa thuận dàn xếp và sẽ tiếp tục nỗ lực để cải tiến chất lượng, mức độ an toàn và giá trị dịch vụ”, vị này cho biết.
Theo hồ sơ tòa án, thỏa thuận này áp dụng đối với 13.600 tài xế ở California và Massachusetts đã lái cho Uber từ tháng 8/2009 đến tháng 2 năm nay. Số lượng tài xế như vậy là ít hơn nhiều so với năm 2016, khi đề nghị bồi thường dàn xếp đầu tiên được đưa ra. Khi đó, có khoảng 385.000 tài xế tham gia vụ kiện tập thể.
Uber cần một hình ảnh mới để đi mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng |
Khoác áo mới “tinh tươm”
Tuy số lượng tài xế ít hơn, nhưng chia bình quân tiền dàn xếp thì mỗi người lại được đền bù nhiều hơn. Nếu theo phương án năm 2016 thì có những người chỉ được hưởng có… 12 USD. Chẳng trách thẩm phán Chen cho rằng số tiền 100 triệu USD nghe thì to, nhưng thực chất là không công bằng và không hợp lý.
Tháng 12/2018, Uber lặng lẽ nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và dự kiến định giá doanh nghiệp lên tới 120 tỷ USD khi niêm yết cổ phiếu vào cuối năm nay. Công ty này đang cố gắng giải quyết dứt điểm hàng loạt vụ kiện, tranh chấp, điều tra và các rủi ro pháp lý khác để mang hình ảnh “tinh tươm” đi mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, Uber sẽ vẫn phải đối mặt với hàng nghìn khiếu nại từ các tài xế không thuộc phạm vi áp dụng của thỏa thuận dàn xếp mới nhất nêu trên. Uber bị cáo buộc từ chối thanh toán các khoản chi phí pháp lý liên quan đến các khiếu nại đó và luật sư đại diện cho nhóm tài xế yêu cầu tòa án ra phán quyết cưỡng chế Uber.
Nhằm xử lý nhanh gọn những rắc rối kiểu như vậy, vào tháng 1/2019, Uber đã đề nghị trả cho những tài xế khiếu nại khoảng 0,11 USD/dặm, tức là mỗi người nhận được tổng cộng khoảng vài nghìn USD.
Tuy cũng “ra tấm ra món” hơn, nhưng như thế chưa bõ bèn gì so với các tài xế được đền bù trong đợt trước đó. Theo nội dung thỏa thuận dàn xếp, có những người nhận được tới 0,64 USD/dặm vào đầu năm 2018.
Hải Châu