Nhóm ngành dược phẩm tỏ ra lạc quan nhất trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc.
Thủ tục nhanh gọn
Hai công ty dược phẩm nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc theo doanh số bán hàng, AstraZeneca và Pfizer, cho biết doanh số tại Trung Quốc đã tăng 24% trong quý II/2018 so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là mức tăng mạnh so với tốc độ tăng trưởng 15% (đối với AstraZeneca) và 16% (đối với Pfizer) của năm ngoái.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc thống kê được rằng các công ty dược phẩm tỏ ra tích cực nhất trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc, với 83% lạc quan về triển vọng tăng trưởng.
Số liệu riêng của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải còn chỉ ra rằng mức độ lạc quan của các công ty dược phẩm Mỹ đã tăng 40% lên mức 87% trong năm qua, một bước nhảy vọt mà không ngành nào có được.
Công ty tư vấn LEK Consulting cho hay, lĩnh vực dược phẩm Trung Quốc tạo ra 123 tỷ USD doanh thu trong năm ngoái, với dự đoán thị trường tăng trưởng với tốc độ trên 5%/năm tới năm 2022, khi điều kiện sống người dân ngày càng được nâng cao và người già dễ mắc các bệnh mãn tính hơn.
Các công ty đa quốc gia “sống rất ổn” ở Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ qua chủ yếu bằng cách bán các loại thuốc hết bản quyền với giá cao, vì các công ty trong nước không thể cạnh tranh về chất lượng.
Vấn đề chỉ nằm ở các loại thuốc mới phát minh khi phải chờ khoảng 7 năm mới được bán thuốc ở Trung Quốc, sau khi chính thức ra mắt ở các thị trường phát triển. Lý do là vì cơ quan chức năng trong lĩnh vực y tế ở Trung Quốc thường yêu cầu khắt khe hơn, ví dụ như quy định doanh nghiệp phải tiến hành lại các thử nghiệm lâm sàng.
Chưa hết, những năm gần đây, Trung Quốc còn chủ trương khống chế giá bán hàng trăm loại thuốc hết bản quyền như một điều kiện để được ngân sách nước này hỗ trợ chi trả. May mắn cho doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài là họ được bù đắp bằng doanh số khi chính sách bảo hiểm công của Trung Quốc được khuyến khích.
Ví dụ, hãng dược phẩm Roche phải giảm gần 70% giá thuốc hóa trị Avastin ở Trung Quốc trong năm 2017, nhưng vẫn tăng 25% doanh thu loại thuốc này, vì thuốc được đưa vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.
Điểm tích cực khác cho các công ty đa quốc gia là sự nhanh gọn của thủ tục hành chính trong công đoạn cấp phép các loại thuốc mới.
Trung Quốc đã gỡ bỏ quy định việc các tập đoàn nước ngoài phải thử nghiệm thuốc độc lập tại Trung Quốc cho dù loại thuốc đó đã được chấp thuận tại quê nhà của hãng sản xuất.
Số lượng cán bộ làm công tác thẩm định, phê duyệt giấy phép được tăng gấp 8 lần so với năm 2014. Kết quả là 39 loại thuốc mới nhập khẩu đã được chấp thuận tung ra thị trường trong năm 2017, nhiều hơn 3 năm trước đó cộng lại.
![]() |
Trung Quốc luôn ấp ủ xây dựng một ngành công nghiệp dược phẩm nội địa đẳng cấp thế giới |
Doanh nghiệp nội quyết vùng lên
Tính tới thời điểm này của năm 2018, hơn 15 loại thuốc nhập khẩu đã được Trung Quốc cấp phép, bao gồm Opdivo (Bristol - Myers Squibb), Keytruda (Merck) và Alecensa (Roche), tất cả đều là thuốc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Cá biệt Keytruda chỉ cần có 5 tháng là được “bật đèn xanh”.
Một số loại thuốc khác cũng được tạo điều kiện tiêu thụ ở Trung Quốc là Epclusa (thuốc trị viêm gan của Gilead) và vắc xin Gardasil 9 trị HPV. Trước kia, các loại vắc xin phải chờ cả chục năm thì Gardasil 9 chỉ mất có 3 năm. Chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh thuốc điều trị ung thư, viêm gan và các bệnh hiếm gặp là được hưởng lợi nhất từ những đổi mới về thủ tục nêu trên.
Tuy nhiên, thách thức với các tập đoàn dược phẩm toàn cầu vẫn đang lớn lên từng ngày, khi Trung Quốc luôn ấp ủ xây dựng một ngành công nghiệp dược phẩm nội địa đẳng cấp thế giới. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang sản xuất ra các sản phẩm chất lượng hơn và được chấp nhận ngay tại Mỹ.
Đà tăng trưởng của các công ty Trung Quốc cũng khiến thị phần của 10 công ty dược phẩm nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc giảm dần trong vài năm trở lại đây (còn chưa tới 20%) và được dự đoán sẽ còn giảm nữa với một số loại thuốc.
Tuy nhiên, các loại thuốc hết bản quyền sẽ vẫn là vũ khí chủ lực của các tập đoàn dược phẩm quốc tế tại Trung Quốc, bởi quy mô thị trường tổng thể vẫn tăng trưởng và bệnh nhân Trung Quốc tin tưởng các thương hiệu nước ngoài hơn sau các bê bối chất lượng thuốc trong nước, điển hình là vụ một triệu liều vắc xin rởm mới bị phanh phui.
Hải Châu