Tiêu dùng trực tuyến tại Trung Quốc bùng nổ đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm ngoái, cao nhất trên thế giới. Sự đối đầu không khoan nhượng nhằm giành miếng bánh thị phần giữa ba ông lớn Alibaba, Tencent và JD.com đã kéo theo sự phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn cho các ngành liên quan, trong đó có logistics và kho bãi.
Song hành cùng cuộc chiến TMĐT
Trung Quốc dự kiến sẽ có 52 triệu mét vuông kho bãi chất lượng cao vào cuối năm nay. Con số này vẫn là rất nhỏ, nếu so với gần 900 triệu mét vuông đã được xây dựng trong 15 năm qua tại Mỹ.
Nhu cầu về mạng lưới hạ tầng tốt xung quanh các trung tâm kho bãi cũng rất lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý khối lượng bưu kiện khổng lồ cần chuyển phát mỗi năm.
Tâm điểm trong cuộc chiến logistics giữa các ông lớn TMĐT là việc nắm được những điểm đặt kho hàng tốt nhất. Trước đây, nhà kho chất lượng cao là một trong số ít các yếu tố của chuỗi logistics mà các công ty TMĐT thường không tự mình quản lý do chi phí vốn sở hữu cao.
Tuy nhiên, với việc số kho có vị trí đẹp ít mà nhu cầu của khách hàng lại tăng chóng mặt, nhiều nhà khai thác sẵn sàng chi hàng triệu USD để “đặt gạch” cho những kho có vị thế đẹp, nhằm tiết kiệm tối đa thời gian giao hàng.
Hiện nay, đầu tư vào kho bãi đang chậm dần lại do các thành phố lớn bắt đầu hạn chế số lượng đất được giao cho mục đích công nghiệp, nhằm kiểm soát quá trình mở rộng đô thị. Sau khi đạt mức tăng cao nhất 28% hồi năm 2015, tỷ lệ tăng giảm xuống chỉ còn lần lượt 5% và 4% trong các năm 2016, 2017.
Trong 2 năm qua, 6 thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải đã rút ngắn thời gian cho thuê đất làm kho từ 50 xuống còn 30 năm, đồng thời cắt giảm tỷ lệ đất được giao cho các mục đích công nghiệp. Ngược lại, một số thành phố như Vũ Hán lại đang phải đối phó với tình trạng cung vượt cầu.
Trung Quốc có thể giảm đầu tư cũng một phần nhờ biết cách phát triển và sắp xếp lại khá tốt cơ sở vật chất cho ngành logistics. Nước này hiện có mạng lưới đường bộ, đường sắt lớn nhất thế giới, cùng với các sân bay và cảng biển mới.
Nhu cầu kho bãi đã làm phong phú thêm số lượng các bên thứ ba khai thác dịch vụ logistics, chẳng hạn như Best Logistics, một trong những đối tác chính của Alibaba, hay công ty chuyển phát nhanh SF Express.
Doanh thu của các công ty kiểu này vào năm 2015 đã lên tới 159 tỷ USD, gấp 3 lần hồi năm 2007. Trong năm 2016, các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc đã chi 1,6 nghìn tỷ USD cho logistics, mà 1/3 số đó chỉ dành cho chi phí lưu kho.
Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều công ty logistics lớn |
“Cờ đến tay” doanh nghiệp logistics
Hiện nay, các tập đoàn TMĐT của Trung Quốc đều đang tập trung củng cố hoạt động logistics. Tháng 9/2017, Alibaba đầu tư 800 triệu USD để nắm quyền kiểm soát Cainiao.
Tháng 2 năm nay, JD.com kêu gọi được 2,5 tỷ USD từ nhiều tên tuổi lớn như Tencent, công ty bảo hiểm China Life và công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia để tung ra công ty con logistics của riêng mình. Tuy nhiên, cả Cainiao và JD Logistics vẫn sẽ đi thuê kho chứ không “tự mua tự quản”.
Với tiềm năng phát triển lớn, lĩnh vực kho vận logistics còn thu hút đầu tư nhiều hơn từ các công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm muốn tìm kiếm lợi nhuận ổn định.
Trong 5 năm qua đã có hơn 25 tỷ USD đầu tư vào logistics, biến đây trở thành lĩnh vực bất động sản nóng nhất trên toàn Trung Quốc. GLP, công ty điều hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc, quản lý khoảng 30 triệu mét vuông kho trên toàn quốc, mới đây đã được một tập đoàn lớn đầu tư 11,6 tỷ USD và thành lập một quỹ về kho bãi trị giá 1,46 tỷ USD cùng với China Life.
Dần dần, ở Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều công ty logistics lớn cùng chạy đua vì những mục tiêu khác nhau của nhà đầu tư; song tựu chung lại, lĩnh vực này đang được hưởng lợi tổng thể để lan tỏa phạm vi “phủ sóng” đến cả các địa phương xa xôi.
Hải Châu