Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một chính sách quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với tham vọng khôi phục lại “Con đường Tơ lụa” kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và hơn thế nữa thông qua các dự án này đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Không né tránh chủ đề nợ công
Tuy nhiên, chính sách này đã và đang gây tranh cãi ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khi luôn coi đó chỉ là một phương tiện để lan truyền ảnh hưởng của Trung Quốc ra nước ngoài và xoa dịu các quốc gia có những khoản nợ không bền vững bằng các dự án không minh bạch.
Chính quyền Mỹ đặc biệt chỉ trích quyết định của Italia về việc trở thành quốc gia G7 đầu tiên gia nhập “Vành đai và Con đường” vào tháng trước.
Và như để ghi nhận những lo ngại này, dự thảo thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh về sáng kiến trên, dự kiến diễn ra từ 25 - 27/4, đã nhắc lại những lời hứa mà các bên đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần trước vào năm 2017 về tài chính bền vững, đồng thời đề cập đến vấn đề nợ - một chủ đề nhạy cảm bị bỏ qua cách đây 2 năm.
“Chúng tôi ủng hộ sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế để cung cấp những sự hỗ trợ tài chính đa dạng và bền vững cho các dự án. Chúng tôi khuyến khích tài trợ bằng đồng nội tệ, sự tương hỗ của các tổ chức tài chính và vai trò lớn hơn của tài chính phát triển phù hợp với các ưu tiên, luật pháp, quy định quốc gia và cam kết quốc tế, cũng như các nguyên tắc đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) thông qua về các khoản nợ bền vững”, Reuters trích dự thảo thông cáo chung.
Thuật ngữ “xanh” xuất hiện 7 lần trong bản dự thảo lần này. Trong thông cáo của hội nghị thượng đỉnh 2 năm trước, thuật ngữ này không hề được nhắc đến.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển xanh. Chúng tôi khuyến khích phát triển tài chính xanh bao gồm việc phát hành trái phiếu xanh cũng như phát triển công nghệ xanh”, bản dự thảo viết.
Trước đó, hôm 18/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố dự án “Vành đai và Con đường” không phải là “công cụ địa chính trị” hay một cuộc khủng hoảng nợ cho các nước tham gia.
![]() |
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một chính sách quan trọng của Trung Quốc |
Cam kết vì lợi ích chung
“Tất nhiên, việc phát triển “Vành đai và Con đường” là cả một quá trình. Bạn không thể đến đích trong một bước và có ý kiến lo ngại trong quá trình phát triển là điều không tránh khỏi. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh tất cả các bên đưa ra các đề xuất mang tính xây dựng”, ông Vương nói.
Tổng cộng có 37 lãnh đạo các nước dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh tới đây, cho dù Mỹ chỉ cử đại diện cấp thấp hơn như một cách thể hiện thái độ đối với chương trình này.
Con số này đã tăng đáng kể so với 29 vị lãnh đạo tham gia hội nghị lần trước, chủ yếu từ các đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc như Pakistan, Nga, Italia, Thụy Sĩ và Áo. Ước tính có hơn 150 nước cử phái đoàn tham dự và dự kiến có khoảng 5.000 khách mời.
Theo thông tin từ Ngoại trưởng Vương Nghị, 126 nước và 29 tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận hợp tác “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc. Sau 6 năm kể từ khi sáng kiến ra đời, tổng khối lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước tham gia đã vượt 6.000 tỷ USD và vốn đầu tư vượt 80 tỷ USD.
Trung Quốc luôn khẳng định “Vành đai và Con đường” là vì lợi ích của toàn thế giới và cam kết duy trì các tiêu chuẩn toàn cầu trong việc đảm bảo tính minh bạch và lợi ích cho tất cả các bên. “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp và cơ hội bình đẳng cho tất cả các bên”, dự thảo thông cáo cho biết.
Hải Châu