Liên minh châu Âu (EU) cũng từng quan ngại rằng việc Bắc Kinh cố gắng lôi kéo các nước châu Âu vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang làm suy yếu tính gắn kết của khối này.
Bộ trưởng ngoại giao 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) đã kết thúc cuộc họp thường niên kéo dài hai ngày tại Dinard - miền Tây nước Pháp vào cuối tuần qua. Thông cáo chung tuy phải giữ im lặng về một vấn đề nhạy cảm, song vẫn cố gắng nhắc nhở Trung Quốc về nhiều vấn đề, như đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, tham vọng quân sự và vi phạm nhân quyền.
Tín hiệu về sự chia rẽ
Tờ Japan Times dẫn lời một quan chức Nhật Bản giấu tên tiết lộ rằng một số nước thành viên đã có các cuộc thảo luận về dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD - Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhưng thông cáo cuối cùng lại không đề cập đến.
Thái độ “biết mà không nói ra” này là một tín hiệu cho thấy sự chia rẽ quan điểm giữa các cường quốc đối với “Vành đai và Con đường” - một ý tưởng mà người này xem là cơ hội, nhưng người khác lại lo sợ bị lôi kéo vào cuộc chơi kinh tế của Bắc Kinh và gánh phải những khoản nợ không bền vững.
Các nước G7, gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản, vẫn luôn đặt dấu hỏi về tính minh bạch và mục đích thực sự đằng sau Sáng kiến “Vành đai và Con đường” kể từ khi nó được triển khai từ năm 2013. Tuy nhiên, sau tất cả, Italia bất ngờ quyết định sẽ tham gia.
Điều đó có nghĩa Italia đã phớt lờ cảnh báo từ phần còn lại của G7 và cả EU, vốn đang cố gắng xây dựng một chiến lược riêng làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên nhiều bình diện.
Tuy nhiên, thực tế một số thành viên EU như Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã đăng ký tham gia sáng kiến của Trung Quốc và mới nhất là Luxembourg cũng chuẩn bị theo chân Italia.
Không đưa ra được kết luận chung về “Vành đai và Con đường”, G7 vẫn đạt được sự đồng thuận ở các lĩnh vực khác liên quan đến Trung Quốc, như kêu gọi giải quyết tình trạng đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường nội địa - hai điểm trọng tâm trong các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đang diễn ra.
Ngoại trưởng các nước G7 họp tại Pháp ngày 5/4 |
Đôi lời nhắn nhủ Trung Quốc
Thông cáo chung có đoạn: “Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại về chiến lược công nghiệp, thực tiễn đầu tư, bảo vệ sở hữu trí tuệ không đầy đủ, hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài, cấp phép công nghệ, cùng một loạt các quy định hành chính và thực tiễn bất thành văn khác tại Trung Quốc - những thứ đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp nước ngoài… Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc duy trì các cam kết không tham gia các hoạt động tiêu cực trên không gian mạng, bao gồm cả hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ nhằm chiếm lợi thế cho các lĩnh vực, bao gồm cả thương mại”.
Thông cáo cũng chỉ trích các trại tập trung của Trung Quốc tại Tân Cương, việc triển khai quân đội ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thể hiện vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ.
Những tháng gần đây, EU từng bày tỏ mối lo ngại rằng việc Bắc Kinh cố gắng lôi kéo các nước châu Âu vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang làm suy yếu tính gắn kết của khối này. Cả Pháp và Đức đều đồng tình với “tâm tư” đó.
Rạn nứt trong nội bộ G7 cũng đã bắt đầu xuất hiện từ sau hội nghị thượng đỉnh hồi năm ngoái tại Canada, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ không tán thành thông cáo chung và xích mích quan điểm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Mỹ còn phớt lờ nghi thức tại Hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây nhất, bằng cách chỉ cử Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan tham dự thay vì cấp trên là ông Mike Pompeo. Washington cũng tuyên bố không cử bất kỳ quan chức cấp cao nào đến dự diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ hai ở Trung Quốc vào cuối tháng này.
Hải Châu