Khi phải “ôm” lấy số cổ phần chẳng còn mấy giá trị của những công ty đang chật vật trả nợ, rủi ro của các ngân hàng thậm chí còn cao hơn cả cho vay.
Hệ quả từ quá khứ dễ dãi
Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giảm tốc tồi tệ chưa từng có trong vòng hàng chục năm trở lại đây. Nhu cầu vốn cho hệ thống ngân hàng để đẩy tín dụng vào nền kinh tế, vì thế mà trở nên vô cùng bức thiết.
Theo kế hoạch của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại sẽ được phép bán những khoản nợ khó đòi cho nhà đầu tư, sau khi chuyển đổi thành chứng khoán, hoặc chuyển giao cho các công ty quản lý tài sản chuyên xử lý nợ xấu.
Hiện nay, “quả bom” nợ xấu tại nhiều ngân hàng Trung Quốc đang tăng đột biến, trong khi lợi nhuận hoạt động lại giảm mạnh - hệ quả của quá trình tín dụng ồ ạt và dễ dãi nhiều năm qua. Để làm đẹp sổ sách, không ít nhà băng đã phải cắn răng cấp thêm tín dụng mới, để khách hàng có tiền trả nợ cũ đến hạn - một kiểu “chữa cháy” nguy hiểm, vì tiền đã bị sử dụng lãng phí, không được dùng để đầu tư hay kích cầu.
Tổng giá trị các khoản vay “báo động” trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc tính đến tháng 12/2015 là 1.270 tỷ Nhân dân tệ (xấp xỉ 4.384.000 tỷ đồng) - mức cao nhất kể từ giữa năm 2006. Tỷ lệ nợ xấu tuy nằm trong ngưỡng chấp nhận được, khoảng 1,67% tại thời điểm cuối năm, nhưng tốc độ tăng thì vẫn duy trì “ổn định” trong ba năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ những khó khăn trả nợ của doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất thép, khai thác mỏ… do nhu cầu thị trường yếu còn năng lực thì dư thừa.
Theo một phân tích gần đây của J.P. Morgan Chase, nợ xấu ở Trung Quốc có thể đạt đỉnh khoảng 7% tổng dư nợ, nghĩa là toàn bộ ngành ngân hàng sẽ cần khoảng 600 tỷ USD để hồi lại vốn. Trường hợp xảy ra khủng hoảng, tỷ lệ nợ xấu có thể lên tới 20% và khi đó, số tiền cần bơm vào hệ thống là 770 tỷ USD.
![]() |
“Quả bom” nợ xấu tại nhiều ngân hàng Trung Quốc đang tăng đột biến
“Ôm rơm rặm bụng”?
Trong số các giải pháp dự kiến, lãnh đạo PBOC đặc biệt quan tâm tới đề xuất chứng khoán hóa các khoản vay. Theo đó, ngân hàng có thể chấp nhận xóa nợ cho doanh nghiệp để đổi lại, nắm giữ một lượng cổ phần tương đương.
Tuy nhiên, bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vẫn còn nguyên tính thời sự, khiến PBOC mới chỉ thí điểm 6 ngân hàng, bao gồm 4 ngân hàng tốp đầu là Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, cùng với Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Thương nghiệp Trung Quốc.
Như trường hợp Ngân hàng Trung Quốc (BOC), cơ quan chức năng đã cho phép tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp dưới hình thức chuyển đổi nợ thành cổ phần. Theo đó, ngân hàng sẽ nắm giữ khoảng 14% vốn cổ phần tại công ty Năng lượng Hoa Dung, để đổi lấy việc xóa nợ 6 tỷ Nhân dân tệ.
Theo quy định hiện nay của Trung Quốc, ngân hàng thương mại không được phép mua cổ phần của các tổ chức phi tài chính. Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản công của nước này (SASAC) đang tích cực vận động thay đổi để có lối thoát giúp khối doanh nghiệp nhà nước giảm tải nợ nần.
Theo thống kê của hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor, nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã lên tới 160% tổng GDP, trong khi tỷ lệ này của năm 2008 là 98% và cao hơn hẳn con số 70% của Mỹ.
Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng việc đổi nợ thành cổ phần chỉ nên áp dụng với quy mô hạn chế. Khi phải “ôm” lấy số cổ phần chẳng còn mấy giá trị của những công ty đang chật vật trả nợ, các ngân hàng không có cách nào khác, là điều chỉnh dòng vốn nội bộ, khiến tính thanh khoản bị ảnh hưởng. Việc làm này thậm chí bị coi là rủi ro hơn cả cho vay.
Hùng Anh