EUCC vẫn ghi nhận tiến bộ ở một số lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn hàng tiêu dùng và ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Theo báo cáo của EUCC, kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt tay vào triển khai chỉ đạo của Chủ tịch nước Tập Cận Bình, vào năm 2017, về mở cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một số kế hoạch và giải pháp đã được đưa ra, nhưng cho đến nay chủ yếu mới chỉ dừng lại ở trên giấy và chưa thực sự hướng đến quyền lợi của các công ty nước ngoài.
Yêu cầu bức thiết
Trong tháng 6 vừa qua, EUCC cũng đã công bố sau kết quả của một cuộc khảo sát do cơ quan này thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp châu Âu ghi nhận một số cải thiện về điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc, song gần 2/3 doanh nghiệp được hỏi cho rằng vẫn còn nhiều khác biệt giữa cách họ được đối xử tại Trung Quốc so với những điều kiện mà các công ty Trung Quốc đang được hưởng ở thị trường nước ngoài. Chính sự bất tương xứng này được cho là góp phần làm trầm trọng những căng thẳng thương mại hiện nay trên thế giới.
Từ đó, EUCC đưa ra khuyến cáo Trung Quốc cần “khẩn trương hành động để giảm bớt vị thế áp đảo của khối doanh nghiệp nhà nước, cải thiện khung pháp lý, giải quyết các vấn đề phân biệt đối xử... Nếu trì hoãn, sẽ chỉ dẫn đến leo thang những căng thẳng đang lan tỏa trong hệ thống kinh tế toàn cầu”.
EUCC cũng ghi nhận tiến bộ ở một số lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ môi trường, điều kiện kinh doanh tại địa phương, tiêu chuẩn hàng tiêu dùng và các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, một số thay đổi được kỳ vọng về pháp luật đầu tư lại chưa trở thành hiện thực, nhất là mở cửa lĩnh vực tài chính. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ nới lỏng đáng kể các điều kiện hạn chế quyền sở hữu trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, với lộ trình chi tiết dự kiến được đưa ra trong năm nay.
EUCC cho rằng sự thống trị của doanh nghiệp Trung Quốc để lại cho những công ty khác quá ít “đất dụng võ”. “Các ngân hàng quốc tế không có khả năng sở hữu lượng cổ phần đáng kể trong các ngân hàng Trung Quốc vì quy mô những đơn vị đó quá lớn, hoàn toàn chi phối và không dễ bán đi cổ phần của mình”, EUCC nhận định.
Áp lực phải chuyển giao công nghệ có giá trị cho đối tác Trung Quốc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường cũng đang là một mối quan tâm lớn đối với châu Âu và Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng lý giải, sở dĩ họ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc thời gian qua một phần là để đáp trả việc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Nửa đầu năm nay, đầu tư của EU vào Trung Quốc giảm 23% |
Giảm áp lực lớn cho khối ngoại
“Những yêu cầu chuyển giao công nghệ một cách không công bằng vẫn là một thực tế mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc đang phải đối mặt”, EUCC cho biết.
Giờ thì hậu quả của việc không giải quyết được vấn đề tồn đọng này đang hiện ra trước mắt, điển hình là vụ kiện của EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với đòi hỏi chuyển giao công nghệ từ phía Trung Quốc.
Cách đây gần một năm, EUCC đã từng lên tiếng thúc giục Bắc Kinh thực hiện lời hứa mở cửa thị trường. “Nếu Trung Quốc không muốn cung cấp khả năng tiếp cận thị trường của họ, thì không thể có trường hợp họ sẽ tiếp tục được phép tận hưởng ưu đãi mà không bị cản trở ở châu Âu. Cách tiếp cận tự do, mua bán sáp nhập sẽ chỉ hiệu quả nếu tất cả các bên đều tiến tới bình đẳng và loại bỏ các rào cản”, trích thư của EUCC.
EUCC khuyến nghị Trung Quốc tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn bằng cách tránh xa việc thành lập các khu thương mại với ưu đãi ngắn hạn. Thực tế đó không hấp dẫn các công ty châu Âu thường đưa ra quyết định đầu tư dựa trên nguyên tắc thị trường.
Đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn ổn định ở mức 10,4 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, đầu tư của EU vào Trung Quốc giảm 23%, xuống còn 3,7 tỷ USD cùng kỳ.
Như thường lệ, các công ty quốc tế vẫn phải tìm kiếm một đối tác địa phương để hợp tác nếu muốn bước vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một hạn chế làm cho họ cảm thấy lo lắng về nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ hoặc bí mật thương mại.
Hải Châu