Cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc - EU đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định cam kết của cả hai bên đối với hệ thống thương mại đa phương.
Đây là một bước tiến rất đáng ghi nhận, nếu biết rằng hai lần họp trước, vào các năm 2016 và 2017, không đạt được sự đồng thuận như vậy.
Ghi nhận những bước tiến
Cụ thể hơn, Bắc Kinh và Brussels đã lần đầu tiên đưa ra đề xuất mở cửa thị trường trong khuôn khổ đàm phán hiệp định đầu tư, từ đây mở ra một "giai đoạn mới" trong tiến trình thương thảo mà cả hai xem như "ưu tiên hàng đầu".
"EU ghi nhận các cam kết gần đây của Trung Quốc về việc cải thiện mở cửa thị trường và môi trường đầu tư, đẩy mạnh quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu và tiến tới thực hiện đầy đủ cũng như áp dụng các biện pháp tiếp theo", tuyên bố cho biết.
Hai bên cũng nhất trí thành lập một nhóm công tác về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhấn mạnh sự cần thiết về vai trò của tổ chức này trong việc giải quyết những khác biệt trong thương mại quốc tế.
Các quan chức châu Âu chia sẻ họ cảm nhận được sự khẩn trương hơn từ Trung Quốc từ năm ngoái, trong việc tìm kiếm những quốc gia "đồng minh" để đối phó với chính sách bảo hộ nước Mỹ của Tổng thống Trump.
Đại sứ Trung Quốc tại EU cho rằng cuộc gặp thường niên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU sẽ tập trung vào việc thúc đẩy sự hợp tác, đưa hai bên trở thành "tiêu chuẩn của sự ổn định" trong bối cảnh "chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ" đang ngày một lan rộng.
Trong buổi tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Trung Quốc Lý Quốc Cường nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thương mại tự do và đa phương trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp thương mại chưa có hồi kết.
![]() |
Châu Âu cảm nhận được sự khẩn trương hơn từ Trung Quốc trong việc tìm kiếm "đồng minh" |
Trung Quốc luôn biết phải làm thế nào
Thời gian qua, Trung Quốc đã cố gắng thay đổi quan niệm của nhà đầu tư nước ngoài về một quốc gia có chính sách bảo hộ quá ngặt nghèo bằng cách nới lỏng quy định để thu hút các khoản đầu tư khổng lồ, điển hình như dự án hóa dầu trị giá 10 tỷ USD của tập đoàn BASF (Đức).
Tại cuộc họp báo chung cùng ông Lý và ông Tusk tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ông Juncker cho rằng động thái trên chính là lời khẳng định "một khi đã muốn thì Trung Quốc có thể mở cửa thị trường và Trung Quốc biết phải làm như thế nào".
Sau đó, tại một diễn đàn kinh tế, ông Lý có mời lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc tham dự để chia sẻ những khúc mắc họ đang gặp phải. Như được cởi tấm lòng, Airbus tranh thủ than thở về sự chậm trễ trong cấp phép của chính phủ, khiến tập đoàn này tốn kém bao nhiêu tiền của.
Ngay lập tức, Thủ tướng Trung Quốc cam kết với Chủ tịch Airbus Trung Quốc Eric Chen rằng chính phủ sẽ bảo đảm việc thực hiện các thỏa thuận đã ký và rút ngắn thời gian phê duyệt. Ông Lý cũng đề nghị các công ty nói rõ hơn về những khiếu nại liên quan tới "hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ" để ông có thể đưa ra "các biện pháp mạnh".
Đến lượt mình, ông Tusk kêu gọi Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác không dính sâu vào cuộc chiến thương mại, mà thay vào đó, tập trung cải tổ WTO.
"Đây là nhiệm vụ chung của châu Âu, Trung Quốc và cả Mỹ, Nga. Không phải để phá vỡ trật tự hiện nay, mà là để cải thiện; không phải để châm ngòi cho các cuộc chiến tranh thương mại dễ biến thành xung đột như đã xảy ra trong lịch sử, mà là để cải cách trật tự quốc tế một cách mạnh mẽ và có trách nhiệm trên nền tảng các quy tắc chung", ông Tusk nhấn mạnh.
Ngay sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ông Tập khẳng định hai bên nên "chung tay bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do dựa trên các quy tắc".
Hải Châu