Triển vọng không mấy sáng sủa về việc cạnh tranh trong phân khúc điện thoại cũng là một lời nhắc nhở cho Amazon về chiến lược lợi hại của Google trong tương lai.
Cuối tuần qua, trong án phạt trị giá 4,3 tỷ euro đối với Google, Liên minh châu Âu (EU) đã đề cập tới Amazon như một đối thủ tiềm năng của “gã khổng lồ” công nghệ trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”
EU cho rằng chiến lược của Google đã cản trở nhiều doanh nghiệp sản xuất phần cứng, khi bán các thiết bị mang hệ điều hành Fire của Amazon. Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Reuters, Amazon đã từ bỏ ý định phổ cập hệ điều hành Fire từ vài năm trước và không hề có kế hoạch quay trở lại.
Giờ đây, nỗ lực của Amazon trong việc quảng bá phần mềm cạnh tranh với Google chủ yếu liên quan đến các sản phẩm máy tính bảng, thay vì điện thoại thông minh. Amazon đang cố gắng “lăng xê” một dòng máy tính bảng siêu rẻ làm thiết bị giải trí, chơi game, xem video, đồng thời là kênh giới thiệu các dịch vụ thương mại điện tử của mình.
Triển vọng không mấy sáng sủa về việc cạnh tranh trong phân khúc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android cũng là một lời nhắc nhở cho Amazon, rằng Google có thể sẽ tiếp tục sử dụng chiến lược đã giúp “ông lớn” này chiếm lĩnh vị thế trên thị trường thiết bị cầm tay và các thị trường khác.
Theo nhận định của một số chuyên gia, Google, với việc sở hữu ứng dụng phát video trực tuyến trên YouTube, đang cố gắng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trong mảng TV thông minh.
Bàn tay Google vươn đến cả quảng cáo kỹ thuật số trên máy tính để bàn và điện thoại di động cũng khiến các doanh nghiệp truyền thông lo ngại, rằng chẳng sớm thì muộn “gã khổng lồ” internet sẽ “bành trướng” sự thống trị sang mảng TV và bóp chết những hệ điều hành đối thủ như WebOS hay Tizen của Samsung cũng như các dịch vụ độc lập như Roku.
Google và Amazon đang bán nhiều sản phẩn cạnh tranh trực tiếp với nhau với tính năng kết nối TV của người dùng vào internet. Google đã phát triển các thiết bị Chromecast, trong khi Amazon cũng không hề kém cạnh khi sở hữu Fire TV.
Amazon chủ yếu sử dụng phần cứng của riêng mình để mở ra các thị trường mới - như máy tính bảng Fire, thiết bị đọc ebook Kindle và loa thông minh Echo - mặc dù dòng điện thoại thông minh Fire không đạt nhiều thành công.
“Cuộc chiến” giữa Amazon với Google đã chuyển sang loa thông minh |
Tập trung đúng trọng tâm
Theo chiến lược vẫn thường áp dụng, mỗi khi xác định xong nhu cầu thị trường đối với một thiết bị mới nào đó, Amazon sẽ cấp phép phần mềm của mình cho các công ty khác để lan tỏa mức độ phổ cập. Cách làm này đã chứng minh tính hiệu quả với dịch vụ thoại Alexa trong loa Echo.
Theo bà Carolina Milanesi, chuyên gia phân tích của Creative Strategies, có rất ít lý do để Amazon “liều lĩnh” đối đầu với Android một lần nữa. Sự thống trị của công cụ tìm kiếm Google và kho ứng dụng Play Store khổng lồ cũng đồng nghĩa bất kỳ thiết bị cầm tay nào của Amazon sẽ vẫn phải hoạt động dựa trên nền tảng dịch vụ của Google. Nếu cứ “cố đấm ăn xôi” lao vào thị trường này thì e là Amazon chỉ thấy lợi bất cập hại.
Những nỗ lực dài hơi của Google nhằm giành được chỗ đứng vững chắc trên phân khúc TV thông minh vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Hai thứ “vũ khí” lợi hại nhất của Goolge, công cụ tìm kiếm và cửa hàng ứng dụng, thì không được sử dụng nhiều trong các gia đình, bởi công dụng chính của TV dù sao vẫn là để xem nội dung.
Trong khi đó, Fire TV của Amazon lại được thị trường nhìn nhận là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn Android.
Sự thống trị của công cụ tìm kiếm cũng chưa mang lại lợi thế vượt trội cho Google so với Amazon đối với sản phẩm loa thông minh và các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói khác.
Đây là phân khúc mà Amazon đã xác lập vị thế dẫn đầu của mình bằng cách cấp phép sử dụng dịch vụ Alexa cho một số lượng lớn các nhà sản xuất phần cứng.
Trên các thiết bị thoại, người dùng không thể xem cùng lúc nhiều kết quả tìm kiếm và điều này đánh thẳng vào lợi thế cạnh tranh chính của Google.
Hải Châu