Juul C1, tên gọi của thiết bị, bắt đầu được bày bán ở Vương quốc Anh trong tuần này sau thời gian thử nghiệm thành công ở Canada.
Mua thuốc phải trình căn cước
Dan Thomson - Giám đốc điều hành Juul tại Anh, cho biết để sử dụng thiết bị (có kết nối với một ứng dụng trên điện thoại thông minh của người dùng), khách hàng phải trải qua các bước xác minh độ tuổi rất nghiêm ngặt, bao gồm nhận dạng khuôn mặt và kiểm tra lý lịch thông qua cơ sở dữ liệu của bên thứ ba.
Thời gian qua, Juul vấp phải nhiều chỉ trích ở Mỹ vì được thanh thiếu niên nước này “ưa chuộng” quá mức, buộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phải can thiệp. Năm ngoái, cơ quan này từng cảnh báo vấn đề đã nghiêm trọng đến mức không khác gì một “dịch bệnh”.
Để trấn an dư luận cũng như cơ quan chức năng, Juul đặt ra chính sách quy định các cơ sở bán lẻ phải kiểm tra thẻ căn cước của bất kỳ khách hàng nào trông trẻ hơn 25 tuổi. Ở Anh, việc người chưa tới 18 tuổi sở hữu một thiết bị thuốc lá điện tử là bất hợp pháp.
Tháng 6 vừa qua, San Francisco - nơi Juul đặt trụ sở, đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ áp dụng lệnh cấm thuốc lá điện tử trong nỗ lực nhằm kiềm chế “thú vui” này của giới trẻ.
Thiết bị Juul C1 cho phép người dùng theo dõi số lần hút mỗi ngày, cũng như xác định vị trí thiết bị trong trường hợp không may bị thất lạc. Nó cũng có tính năng khóa tự động khi ra ngoài phạm vi kết nối điện thoại để người lạ không thể sử dụng được.
Roxy Wacyk - Giám đốc quản lý sản phẩm tại Juul, cho biết công ty đã có kế hoạch cập nhật ứng dụng thường xuyên và họ đang nghiên cứu bổ sung thêm các tính năng cho phép người dùng tự hạn chế số lần hút của mình và thiết bị tự động ngừng hoạt động khi tiếp cận các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện.
Tuy nhiên, các chuyên gia về bảo mật ngay lập tức bày tỏ quan ngại về quá trình thu thập dữ liệu để phát triển thiết bị này.
Martin Garner - Giám đốc tác nghiệp công ty tư vấn công nghệ CCS Insight, cho rằng: “Dữ liệu gửi về cho nhà sản xuất có thể cho biết rất nhiều thông tin về người dùng và người dùng đó là ai. Rủi ro cơ bản là nếu dữ liệu đó lọt ra ngoài... bạn có thể từ đó xác định được người dùng... và đó có thể là thông tin liên quan đến sức khỏe, một lĩnh vực siêu nhạy cảm trong quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR)”.
Juul vấp phải nhiều chỉ trích ở Mỹ vì được thanh thiếu niên nước này “ưa chuộng” quá mức |
Không bao giờ bán dữ liệu
Trong khi đó, ông Thomson khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi khi thiết kế sản phẩm này không phải để thu thập dữ liệu. Mục tiêu là có thể cung cấp dữ liệu cho khách hàng”.
Juul cho biết tại thời điểm này họ không có kế hoạch bán bất kỳ dữ liệu nào cho các tổ chức khác. “Dữ liệu người dùng về quá trình sử dụng thiết bị sẽ không bao giờ được chia sẻ hoặc bán cho bên thứ ba mà không được sự cho phép của họ”, đại diện công ty tuyên bố.
Juul - có công ty mẹ ban đầu là Pax Labs - từng phát triển một thiết bị hút cần sa có kết nối di động, khẳng định mình là công ty đầu tiên đưa ra thị trường một loại thiết bị nicotine điện tử trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này sẽ phải cạnh tranh với British American Tobacco (BAT) khi mà đối thủ này từng tung ra sản phẩm kiểm soát thói quen hút thuốc qua ứng dụng di động - Vype iSwitch, tại Anh vào tháng 12/2018. BAT cho biết đã bán được hơn 2.000 thiết bị nhưng vẫn đang đánh giá khả năng sinh lời của dòng sản phẩm này.
Từ năm 2018, FDA yêu cầu các nhà sản xuất cảnh báo đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nicotine. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cảnh báo về việc sử dụng thuốc lá điện tử của những người trẻ tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người lớn không sử dụng thuốc lá.
Hải Châu