Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng năm 2018, sản lượng thuốc lá bao các loại đạt khoảng 3.211 triệu bao, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2017.
Trong hai tháng cuối năm, sản xuất và tiêu thụ thuốc lá dự kiến tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết và chuẩn bị cho lễ Tết.
Tỷ lệ bắt giữ chỉ 1%
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng ngành sản xuất thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng nhập lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết từ năm 2014- 2018, ngành hải quan đã bắt 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ, xử lý hình sự có một vụ, số đối tượng xử lý hình sự có 18 đối tượng. Như vậy, lực lượng hải quan bắt khá nhiều nhưng việc xử lý hình sự còn ít, trong 4 năm mới xử lý hình sự được một vụ.
Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, các thủ đoạn buôn lậu rất tinh vi, liều lĩnh, manh động.
Theo điều tra của Tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá hàng đầu trong 14 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á qua khảo sát, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, HongKong…
Thuốc lá lậu đem lại siêu lợi nhuận lên tới 350% nên việc buôn lậu thuốc lá qua biên giới chưa bao giờ hết nóng.
Số liệu được cập nhật hàng năm cho thấy lượng thuốc lá lậu qua Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ bắt giữ của lực lượng chức năng chỉ chiếm 1% tổng lượng thuốc lá lậu.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng ngay cả khi im ắng thì thực sự tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn ngấm ngầm hoạt động sôi động.
Ông Cương chia sẻ chuyến đi thực tế thấy tình trạng vận chuyển thuốc lá được diễn ra một cách công khai và gần như không có ai cản trở, không có sự ngăn chặn của lực lượng chức năng.
“Ở Châu Đốc (An Giang), vào buổi sáng khi chúng tôi đi quanh khu vực chợ, muốn mua bất kỳ loại thuốc lá nào cũng có. Lực lượng chức năng ngồi ở cổng chợ nhưng đi vào chợ, thuốc lá lậu bày bán rất nhiều. Giá cả khác nhau, mua ở ngoài thuốc lá Hero có giá 160.000-170.000 đồng/cây (10 gói), nhưng vào chợ chỉ 70.000- 120.000 đồng. Khi tôi hỏi, có người nói thuốc lá trong chợ là thuốc giả, chỉ 1-2 gói là thật, kể cả ở Long Xuyên cũng vậy”, ông Cương cho biết.
Tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp |
Không thể “mạnh ai nấy làm”
Trước tình trạng trên, ông Cương cho rằng đã đến lúc phải xem lại Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Theo ông Nguyễn Khánh Quang, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng hoạt động ở vùng biên giới với các cơ quan trong nội địa như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… Nếu không phối hợp tốt sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu thông tin, hiệu quả đấu tranh thấp.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết sắp tới, Tổng cục sẽ kiện toàn, hoạt động hướng ngành dọc, đảm bảo công tác chỉ đạo sẽ được xuyên suốt hơn so với trước đây.
“Tổng cục xác định công tác phối hợp với lực lượng công an trong quá trình ngăn chặn phương tiện vận chuyển, tiếp tục phối hợp với công an trong công tác khám xét hàng hóa. Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường đôi khi xin giấy phép hay lệnh khám nhà của các đối tượng xong, các đối tượng đã kịp tẩu tán”, đại diện Tổng cục cho biết.
Mặt khác, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đặt trách nhiệm của các cơ quan chức năng: “Ở một số nơi còn có hiện tượng thờ ơ, dung túng trong việc chống buôn lậu thuốc lá. Chúng ta không thể không đặt dấu hỏi nghi ngờ về dấu hiệu nhóm lợi ích, về bảo kê cho hành vi buôn lậu thuốc lá”.
Thy Lê