Trước đó, Bộ Y tế Ấn Độ từng nhiều lần kêu gọi chính phủ có lệnh cấm nhập khẩu, đồng thời thúc giục các bang và chính quyền liên bang có biện pháp khống chế lượng lưu thông và nhập khẩu với lý do các thiết bị hút thuốc điện tử tiềm ẩn “rủi ro lớn cho sức khỏe”.
Có hại, nhưng chưa thể cấm
Ấn Độ hiện có 106 triệu người trưởng thành hút thuốc, chỉ đứng sau Trung Quốc và đang là thị trường màu mỡ cho các công ty như Juul Labs và Philip Morris International của Mỹ, vốn đã lên kế hoạch ra mắt các sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử tại đây.
Tập đoàn Jubilant của Ấn Độ, một trong những đơn vị được nhượng quyền các cửa hàng Domino’s Pizza và Dunkin Donuts, cũng đang xem xét khả năng nhập khẩu thiết bị thuốc lá điện tử của Juul.
Theo một nguồn tin, cơ quan chức năng Ấn Độ có ý kiến về việc ngừng nhập khẩu thuốc lá điện tử vào Ấn Độ là đi ngược lại các cam kết đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Theo quy trình, quốc gia này phải cấm lưu thông sản phẩm ở thị trường trong nước bằng các quy định cấp liên bang. Sau đó, Tổng cục Ngoại thương (DGFT) mới có cơ sở để ban hành “lệnh cấm nhập khẩu”.
Còn hiện tại, khuyến nghị của Bộ Y tế chưa thể xem là căn cứ pháp lý để ban hành lệnh cấm được, Bộ Thương mại nêu quan điểm. Theo luật pháp Ấn Độ, Bộ Thương mại là đơn vị có quyền áp đặt lệnh cấm nhập khẩu. Một quan chức của Bộ Y tế cho biết Bộ sẽ làm việc với DGFT để tìm ra giải pháp phù hợp.
Thị trường thuốc lá 12 tỷ USD của Ấn Độ đang bị chi phối bởi các công ty như ITC và Godfrey Phillips, cả hai đều có bán thuốc lá điện tử.
Theo ước tính của Euromonitor International, thị trường sản phẩm thuốc lá điện tử được định giá 15,6 triệu USD trong năm 2017 và được dự báo tăng trưởng gần 60% mỗi năm trong vài năm tới.
Nhằm khai thác lĩnh vực tiềm năng này, Juul đã tuyển dụng nhiều vị trí điều hành người Ấn Độ và có kế hoạch ra mắt sản phẩm tại nước này vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, có vẻ như Bộ Y tế Ấn Độ không vui vẻ chào đón Juul, với quan điểm rằng sản phẩm của Juul “có hại cho sức khỏe” và ảnh hưởng đến chủ trương kiểm soát thuốc lá của Ấn Độ.
1/3 trong số 29 tiểu bang tại Ấn Độ đang cấm kinh doanh thuốc lá điện tử |
Doanh nghiệp bảo vệ nhau
Jubilant lại có văn bản gửi Bộ Y tế vào ngày 11/1, để nói đỡ cho thương hiệu Juul là sản phẩm “có độ an toàn cao” và “mang lại lợi ích cho hàng triệu người tiêu dùng”. Jubilant cũng chia sẻ thông tin công ty đang xúc tiến nhập khẩu và bán thuốc lá điện tử trong nước.
Đại diện của Jubilant cho biết “chúng tôi tin rằng có chứng cứ khoa học rõ ràng” về việc các sản phẩm đó là một sự thay thế khả thi cho thuốc lá và tập đoàn này đang nghiên cứu cơ hội đầu tư.
Về phần mình, Juul cho biết đang trong quá trình đánh giá thị trường Ấn Độ thông qua trao đổi, tham vấn với các bên liên quan.
Những lợi ích của thuốc lá điện tử (hầu hết đều áp dụng cơ chế làm bay hơi chất lỏng có chứa nicotine) từ lâu vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới y học toàn cầu. Một số ý kiến khẳng định nó giúp những người hút thuốc chuyển sang các sản phẩm ít gây hại hơn, trong khi số khác thì cho rằng nó có thể là một hình thức gây nghiện mới.
Tính đến năm 2016, thuốc lá điện tử đã bị cấm tại 30 trong tổng số 195 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Ấn Độ, khoảng 1/3 trong số 29 tiểu bang hiện đang cấm kinh doanh thuốc lá điện tử.
Đất nước đông dân thứ hai thế giới với 1,3 tỷ người có các điều luật cứng rắn để ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá - thứ mà chính phủ cho là nguyên nhân cướp đi hơn 900.000 sinh mạng mỗi năm.
Hải Châu