Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Uber hiện chiếm 35% thị phần taxi tại Ấn Độ, tương đương 10% thị trường toàn cầu của Uber. Thị trường lớn là thế, song đến nay, Uber vẫn chưa “hái được tiền” ở đây.
Các khoản đầu tư ở Ấn Độ hiện vẫn phải dựa vào nguồn lợi nhuận thu được từ các thị trường khác. Tuy nhiên, quyết định thanh lý mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab Holdings hồi tháng 3 vừa qua để đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab, đã “tiếp thêm đạn” cho Uber, để đầu tư mạnh tay hơn vào Ấn Độ và cạnh tranh quyết liệt hơn với đối thủ Ola tại đây.
“Tiếp đạn” và thị trường khổng lồ
Ông Barney Harford - Giám đốc tác nghiệp (COO) của Uber, cho biết công ty dự kiến tăng cường đầu tư vào nhân sự, sản phẩm và quan hệ đối tác ở Ấn Độ, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thị trường đông dân thứ hai thế giới.
Tuy chưa tiết lộ con số cụ thể, song Uber khẳng định đây là khoản đầu tư “lớn chưa từng có”, trang bị thêm rất nhiều nguồn lực công nghệ để Uber tiếp tục nâng cấp chất lượng, phát triển sản phẩm mới cho Ấn Độ nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.
Để duy trì hoạt động của mình tại Ấn Độ, Uber đang phải chi ít nhất 22 - 25 triệu USD mỗi tháng. Con số tuy không lớn so với chi phí hoạt động tại các thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, nhưng lại là quá lớn để thuyết phục các nhà đầu tư chấp nhận.
Tại hai thị trường trọng điểm như vậy, đầu tư không tiếc tiền mà Uber cuối cùng vẫn phải “giương cờ trắng” một cách đau đớn. Chẳng trách vì sao nhà đầu tư còn ngập ngừng, lo ngại lịch sử sẽ lặp lại.
Thách thức đang chờ Uber tại Ấn Độ |
Cạnh tranh hay “lại” sáp nhập?
Tại Ấn Độ, Ola là một đối thủ rất mạnh của Uber và nhiều tin đồn rộ lên gần đây cho rằng hai công ty có thể sẽ sáp nhập với nhau. Một phần lý do quan trọng nằm ở chỗ Uber và Ola đều nhận vốn đầu tư từ SoftBank Group, công ty đứng đằng sau và “đạo diễn” thương vụ giữa Uber và Grab (SoftBank cũng đầu tư vào cả Grab).
Nhà đầu tư Nhật này mới chỉ nhảy vào Uber từ đầu năm nay sau khi mua lại 15% cổ phần và đầu tư trực tiếp 1,25 tỷ USD để trở thành cổ đông lớn nhất, nhưng rất nhanh sau đó đã có thể gây sức ép buộc Uber phải bán một phần cho Grab.
Vì thế, chưa biết chừng kịch bản này sẽ lại tái diễn tại thị trường Ấn Độ. SoftBank từng úp mở ý định từ năm ngoái và nay khi trở thành cổ đông chiến lược của Uber thì càng có điều kiện hiện thực hóa kế hoạch trên.
Lãnh đạo cấp cao của Uber và Ola đã gặp nhau ít nhất 2 lần trong vòng 12 tháng qua. Uber cũng đã suy nghĩ nghiêm túc về phương án sáp nhập, trong đó Uber sẽ là phía chủ động hơn.
Cả Uber, Ola và SoftBank đều không đưa ra thông báo chính thức về vấn đề này. Uber và Ola, bên nào cũng khẳng định luôn cởi mở, sẵn sàng đối thoại với các đối tác tiềm năng, nhưng lại muốn nắm cổ phần lớn nếu thương vụ thành công. Uber còn khẳng định không quan tâm tới các thương vụ quy mô nhỏ ở Ấn Độ hoặc các quốc gia khác.
Trường hợp viễn cảnh phải nhường sân chơi Ấn Độ cho Ola trở thành sự thực thì Uber sẽ có lần thứ tư chịu bại trận trước các đối thủ bản địa. Đầu tiên là trước Didi tại Trung Quốc, sau đó là Yandex ở Nga và mới đây nhất là Grab tại Đông Nam Á - thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất cho dịch vụ gọi xe.
Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, nếu như Uber hiện chỉ hoạt động tại khoảng 30 thành phố của Ấn Độ, thì Ola đã có mặt ở 110 thành phố và chiếm hơn 45% tổng thị phần.
Tuy nhiên, người đứng đầu Uber Ấn Độ - ông Amit Jain, cho biết công ty vẫn chưa có kế hoạch mở rộng địa bàn cung cấp dịch vụ tới các thành phố khác ở Ấn Độ.
Hải Châu