Khoảng 100 nhân viên JUMP sẽ gia nhập Uber. Thỏa thuận dự kiến sẽ được chốt trong vài tuần tới, với các điều khoản chi tiết chưa được tiết lộ.
Uber phải đẩy nhanh tốc độ gia nhập thị trường xe đạp “dùng chung” một phần vì lo ngại sự nổi lên của các đối thủ Trung Quốc sẽ làm giảm quy mô thị trường đi chung xe hơi ở Bắc Mỹ và châu Âu - những địa bàn chủ lực hiện nay của Uber.
Hòa hợp thay vì đối đầu
Giá trị thương vụ trên được cho là hơn 100 triệu USD, đánh dấu giao dịch thâu tóm đầu tiên kể từ khi ông Dara Khosrowshahi lên làm Giám đốc điều hành của Uber, cách đây 8 tháng.
Xét về giá trị, 100 triệu USD chưa gây ra chấn động. Nhất là vừa mới tuần trước thôi, Meituan - Dianping chấp nhận bỏ ra 3,7 tỷ USD để mua lại Mobike (một ứng dụng gọi xe đạp thông minh của Trung Quốc).
Song theo lời ông Ryan Rzepecki, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của JUMP, đây là bệ phóng để mang dịch vụ của JUMP ra nước ngoài, đặc biệt là sang châu Âu - nơi có tiềm năng lớn hơn nhiều so với Bắc Mỹ.
Đối với Uber, xe đạp có thể là một yếu tố cạnh tranh đáng sợ hơn so với sự xuất hiện đối thủ mới trên thị trường chia sẻ xe hơi. Loại phương tiện hai bánh này có thể di chuyển nhanh với chi phí rẻ hơn nhiều trong các cuốc đi ngắn, đặc biệt là ở những khu vực thành phố đông đúc, thường xuyên tắc đường.
Ông Rzepecki cho biết quãng đường bình quân của mỗi lần đặt xe đạp JUMP tại San Francisco là 4,2 km, tức là xấp xỉ đặt xe Uber. Chính bởi thế mà Uber nhìn thấy tiềm năng sử dụng xe đạp để thay thế một phần xe hơi. Vị CEO của JUMP nhận định, Uber thay vì đối đầu đã quyết định nắm lấy cơ hội để mở rộng thị trường.
JUMP được xem là công ty tiên phong cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Mỹ, được thành lập vào năm 2010 với tên gọi ban đầu là Social Bikes. Ông Rzepecki trước đó đã có 3 năm làm việc về quy hoạch xe đạp tại Sở Giao thông vận tải Thành phố New York.
Sau khi ra đời, JUMP chủ yếu cung cấp xe đạp cho chính quyền thành phố với mức phí dịch vụ hàng tháng. Mảng kinh doanh này bắt đầu có lợi nhuận từ năm 2016, nhưng không thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm. Đến khi các dịch vụ chia sẻ xe đạp của Trung Quốc như Ofo và Mobike hút được tiền của giới đầu tư toàn cầu, trong đó có Mỹ, ông Rzepecki quyết định chuyển hướng sang mô hình phục vụ trực tiếp người tiêu dùng.
Thay vì đối đầu, Uber quyết định nắm lấy cơ hội để mở rộng thị trường |
Tiềm năng xe điện
Vài tháng trở lại đây, JUMP đã cho ra mắt các dịch vụ cho thuê xe dưới thương hiệu riêng của chính mình ở Washington DC và San Francisco. Và, kể từ tháng 2 vừa qua, khách hàng có thể đặt xe đạp JUMP tại San Francisco qua ứng dụng Uber.
Tuy nhiên, việc mua lại và vận hành một hệ thống chia sẻ xe đạp đòi hỏi trường vốn và vướng nhiều quy định phức tạp, vì hầu hết các thành phố hiện đại không muốn xảy ra tình trạng quá tải xe đạp và xe đạp lấn chiếm cả vỉa hè của người đi bộ.
Trước khi về với Uber, JUMP cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ Limebike (có trụ sở tại Thung lũng Silicon, gọi được 70 triệu USD trong tháng 2) và công ty xe máy điện Bird (có trụ sở ở Los Angeles, huy động được 100 triệu USD trong tháng 3).
Ông Rzepecki cho biết, ông đã thay đổi quan điểm sau khi chứng kiến dòng tiền đổ vào các dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc và chứng kiến thị trường xe đạp điện bùng nổ tại châu Âu.
Nhu cầu sử dụng phương tiện chạy điện thay vì nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm đã làm tăng đáng kể tiềm năng của thị trường này và giúp loại hình phương tiện hai bánh trở thành đối thủ đáng gờm đối với ôtô.
Ông Rzepecki tin tưởng nhờ tận dụng được mạng lưới toàn cầu của Uber, JUMP sẽ phát triển nhanh hơn là tự đi một mình.
“Trong những năm đầu tiên, cách làm của Uber đã không mang lại hiệu quả ở rất nhiều thành phố”, nhà sáng lập của JUMP chia sẻ.
Song, ông cho rằng những nỗ lực của CEO Khosrowshahi trong việc xây dựng lại mối quan hệ giữa Uber với các cơ quan chức năng đã bắt đầu mang lại những tiến triển tốt đẹp.
Hải Châu