Uber nhường lại thị trường Đông Nam Á cho Grab
Trước đó, vào ngày 25/3, hãng tin Bloomberg đã ghi nhận rằng hai công ty này đã hoàn tất thỏa thuận.
Đối với Uber, việc rút khỏi thị trường Đông Nam Á sẽ giảm bớt thua lỗ và cải thiện tình hình tài chính của công ty trước đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm tới.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên đã đánh dấu bước lùi của một start-up từng được đánh giá là start-up giá trị nhất trên thế giới.
Năm 2016, Travis Kalanick, cựu CEO của Uber, từng bán lại mảng kinh doanh của Uber tại Trung Quốc để đổi lấy 17,5% cổ phần của đối thủ Didi Chungxin.
Sau đó, Uber cũng áp dụng chiến lược tương tự tại Nga, khi bán lại mảng kinh doanh của mình cho Yandex để lấy 37% cổ phần, ngay trước thời điểm Dara Khosrowshahi trở thành CEO của công ty.
“Thương vụ thâu tóm hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Doanh nghiệp hợp nhất sẽ dẫn đầu về nền tảng đặt xe và hiệu quả chi phí trong khu vực”, CEO của Grab - Anthony Tan, cho biết trong một tuyên bố.
Ông Dara Khosrowshahi - CEO mới của Uber, đang cố gắng cải thiện tình hình tài chính của công ty để chuẩn bị cho thương vụ IPO vào năm tới. Việc rút khỏi thị trường Đông Nam Á sẽ giúp Uber tăng lợi nhuận.
Được biết, kể từ khi thành lập từ 9 năm trước, Uber đã “đốt” hết 10,7 tỷ USD vào thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, Khosrowshahi vẫn cam kết duy trì các thị trường trọng điểm ở châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ.
Khởi đầu là một ứng dụng đặt taxi ở Kuala Lumpur trong năm 2012, Grab đã trở thành dịch vụ đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á trong vài năm qua, với lượng vốn huy động từ nhà đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Gần đây nhất, CB Insights định giá Grab ở mức 6 tỷ USD.
Lê Minh