iQOS được thiết kế với kiểu dáng đẹp, chỉ đốt nóng chứ không đốt cháy thuốc lá, không tạo ra khói thuốc, giúp sản phẩm này ít độc hại hơn thuốc lá thông thường. Đây là sản phẩm chiến lược trong kế hoạch thay thế hoàn toàn thuốc lá truyền thống của Phillip Morris.
Một thị trường màu mỡ
Quy định pháp luật của Ấn Độ hiện nay khá nghiêm ngặt, nhằm hạn chế người dân hút thuốc, khi thống kê cho thấy đây là nguyên nhân chính gây ra cái chết của hơn 900.000 người Ấn Độ mỗi năm.
Mặc dù vậy, theo Tổ chức Y tế thế giới, quốc gia này vẫn có 106 triệu người hút thuốc, chỉ đứng sau Trung Quốc và là thị trường màu mỡ đầy sức hút đối với các đại gia ngành thuốc lá.
Các quan chức Ấn Độ sẵn sàng đối thoại nếu Philip Morris đặt vấn đề và nếu thiết bị iQOS có cả tác dụng giúp mọi người cai thuốc lá. Tuy nhiên, trường hợp bị phát hiện gây hại cho người sử dụng, thiết bị đó sẽ không được lưu hành.
Philip Morris được cho là đang rục rịch công tác chuẩn bị, tổ chức chiến dịch xây dựng thương hiệu, tiếp cận các kênh truyền thông và cơ quan quản lý, đồng thời phỏng vấn ứng viên cho vị trí giám đốc phát triển sản phẩm iQOS.
Một đại diện của Philip Morris chia sẻ: “Chúng tôi chưa thể đưa ra bình luận gì về kế hoạch ra mắt sản phẩm vào lúc này. Nhưng chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thay thế thuốc lá truyền thống bằng những sản phẩm không có khói thuốc và đã được khoa học chứng minh”.
Philip Morris mất nhiều năm trời quảng bá thuốc lá Marlboro ở Ấn Độ. Và, cho dù thị phần tăng gấp 4 lần, nhưng nhãn hàng này vẫn chỉ chiếm khoảng 1,4% thị trường thuốc lá trị giá 10 tỷ USD nơi đây. Philip Morris coi Ấn Độ là “thị trường tiềm năng cao”, đặc biệt là đối tượng khách hàng trong độ tuổi 18 - 24.
IQOS hiện được gần 5 triệu người sử dụng ở hơn 30 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Nhật Bản, nơi chính thức cấm thuốc lá điện tử thông thường, nhưng lại cấp phép cho các thiết bị “đốt nóng, không đốt cháy”.
Những sản phẩm tương đối “lành” của Philip Morris, chẳng hạn như iQOS, đã giúp công ty đạt doanh thu ròng 3,8 tỷ USD trong năm 2017, so với 739 triệu USD năm trước đó.
Philip Morris cũng đã nộp đơn tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để xin phép quảng bá tiếp thị iQOS là ít độc hại hơn thuốc lá.
Ấn Độ từng đánh giá đây là “những mối đe dọa mới nổi” |
Nhiều rào cản pháp lý
Nếu muốn được Ấn Độ chấp thuận iQOS, Philip Morris sẽ phải thuyết phục chính phủ nước này trong bối cảnh Ấn Độ vài năm trở lại đây đưa ra hàng loạt biện pháp hạn chế thuốc lá, như tăng thuế, yêu cầu các công ty thuốc lá tăng kích thước hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì, lập đường dây nóng hỗ trợ cai thuốc...
Bộ Y tế Ấn Độ cũng có một thời gian dài kiên quyết phản đối thuốc lá điện tử và có không ít ý kiến cho rằng thuốc lá điện tử gây hại gần như thuốc lá thông thường.
Ông Prakash C. Gupta - Giám đốc Viện Y tế Công cộng Healis Sekhsaria, chỉ trích kế hoạch của Philip Morris là “lập lờ đánh lận con đen”, khi tập trung tung hô sản phẩm mới ít chất độc hơn thuốc lá truyền thống nhưng điều đó không đồng nghĩa với tính an toàn cho sức khỏe con người.
Trong một hồ sơ trình lên tòa án Delhi kêu gọi hạn chế thuốc lá điện tử, Bộ Y tế Ấn Độ từng đánh giá đây là “những mối đe dọa mới nổi”, đồng thời cho biết đang xây dựng văn bản quy định, thậm chí là cấm, hoạt động sản xuất, nhập khẩu hoặc bán thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn thận trọng nghiên cứu thêm để xem tác dụng giúp cai thuốc có lớn hơn những tác hại tiềm tàng hay không.
Ở một số quốc gia khác, Philip Morris cũng vận động cơ quan quản lý không xếp iQOS vào nhóm thuốc lá thông thường, mà chỉ là một thiết bị điện tử thuần túy. Lập luận này, nếu được chấp nhận, có thể giúp sản phẩm trên hưởng các mức thuế suất thấp hơn.
Hải Châu