Ông Modi dự kiến bước đầu sẽ triển khai 3 chương trình, gồm trợ cấp tuổi già, bảo hiểm nhân thọ và trợ cấp thai sản cho hầu hết người lao động trên cả nước. Các chính sách khác liên quan đến thất nghiệp, hỗ trợ trẻ em thì tạm thời không có thay đổi nào.
Kế hoạch trên có thể giúp ông Modi ghi điểm trong mắt cử tri, song nó lại đồng thời gây áp lực lên thâm hụt ngân sách của Ấn Độ, vốn đã nằm trong nhóm thâm hụt trầm trọng nhất ở châu Á.
Tác động kép lên nền kinh tế
Theo thông tin mới nhất, trong dự thảo luật đang soạn thảo, chính phủ Ấn Độ nhập 15 đạo luật hiện hành về lao động vào thành một luật duy nhất, trong đó bổ sung chính sách hỗ trợ cho tất cả người lao động, kể cả những người làm việc trong khu vực không chính thức.
Tiết lộ với giới truyền thông, Bộ trưởng Bộ Lao động Santosh Gangwar cho hay dự luật mới có thể được trình ra trước kỳ họp Quốc hội sắp tới trong tháng 7.
Đây sẽ là một trong những chương trình phúc lợi xã hội lớn nhất của quốc gia 1,3 tỷ dân. Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ thí điểm 6 quận cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử liên bang vào tháng 5/2019.
Trước đó, một chương trình chăm sóc sức khỏe có tên gọi Modicare từng được công bố hồi tháng 2/2018, để hỗ trợ công tác y tế cho 100 triệu gia đình nghèo.
Động thái này dự kiến sẽ có tác động kép lên nền kinh tế. Chi tiêu xã hội cao hơn sẽ làm gia tăng áp lực tài khóa và hạn chế phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng bằng cách hỗ trợ chủ yếu cho những người lao động không chính thức (đối tượng đóng góp khoảng một nửa GDP), chính sách mới có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện năng suất lao động nói chung.
Nhiều chuyên gia cho rằng tầm quan trọng của an sinh xã hội đối với tầng lớp lao động Ấn Độ là không thể phủ nhận và chính phủ quyết tâm là điều đáng mừng. Nó hứa hẹn giúp xóa đói giảm nghèo ở một đất nước chiếm 1/3 số người nghèo trên thế giới và chi chưa tới 2% GDP cho an sinh xã hội. Hơn 90% lực lượng lao động của Ấn Độ có việc làm không chính thức và không có bất kỳ sự bảo vệ quyền lợi nào.
Ấn Độ chiếm tới 1/3 số người nghèo trên thế giới |
Trăn trở về tính bền vững
Làm sao duy trì được chính sách trên một cách bền vững cũng là một trăn trở lớn, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
Bên cạnh đó, việc chính phủ đưa ra dự thảo vào thời điểm này còn bị nhìn nhận là ẩn chứa ít nhiều động cơ chính trị và ông Modi có thể tranh thủ để lấy điểm của cử tri.
Mặc dù chính sách mới áp dụng cho tất cả các đối tượng lao động, song mối quan tâm chủ đạo của chính phủ Ấn Độ là nhóm yếu thế, trình độ thấp.
Theo ước tính của một số chuyên gia, để cung cấp an sinh xã hội ở mức tối thiểu cho nửa dưới của tầng lớp lao động Ấn Độ (chiếm khoảng 1/5 dân số) cần tới 0,38% GDP (tương đương khoảng 500 tỷ rupee mỗi năm) và mỗi người nghèo cần được hỗ trợ tối thiểu 27 rupee (0,40 USD) một ngày ở khu vực nông thôn và 33 rupee ở khu vực đô thị.
Trong 22 năm tới, Ấn Độ được dự báo sẽ già hóa tương tự như Trung Quốc. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng nếu chính phủ không bắt đầu quan tâm đến an sinh xã hội ngay từ lúc này, thì hai thập kỷ nữa đối tượng người già sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nhận trợ cấp.
Theo một bản báo cáo trước đây của OECD, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chi tiêu trung bình khoảng 5,2% GDP vào an sinh xã hội, tức là chưa bằng 1/4 mức trung bình của các nước phát triển.
Sự bất bình đẳng về thu nhập trong khu vực này cao hơn mức trung bình của các nước thuộc OECD, đặc biệt là tại Indonesia và Ấn Độ.
Hải Châu