Ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) rau củ quả ở tỉnh An Giang, được mời đến tham dự một buổi hội thảo giới thiệu về triển lãm quốc tế ngành thực phẩm, đồ uống 2018 ở Ấn Độ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở Tp.HCM ngày 6/6. Khi phóng viên Thời báo Kinh Doanh hỏi có phải ông đang muốn XK sang Ấn Độ, ông Tâm trả lời rất bất ngờ là "không hề nghĩ tới".
Tín hiệu lạc quan
Lý do, vị chủ DN này cho rằng Ấn Độ có vùng nguyên liệu lớn hàng đầu thế giới về nông sản, giá cả của họ còn rẻ hơn nhiều so với Việt Nam nên rất khó XK. Hơn nữa, đây là thị trường còn nặng bảo hộ mậu dịch nên các DN XK nông sản cũng ngại. Cho nên, lựa chọn ưu tiên của công ty ông Tâm vẫn là XK trái cây sang Mỹ hay EU và chấp nhận cạnh tranh với các DN Ấn Độ tại hai thị trường lớn này.
Trái ngược ý kiến trên, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI tại Tp.HCM, nhận định tiềm năng thị trường Ấn Độ vẫn còn rất lớn cho các DN thực phẩm, nông sản Việt nhắm đến. Việt Nam đang trở thành nguồn cung quan trọng các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho thị trường này trong thời gian gần đây.
Mặc dù vậy, nếu nhìn các dữ liệu XK hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ những năm qua có thể thấy mặt hàng nông sản được xếp ở phía sau so với những mặt hàng chủ lực khác thuộc sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên có tín hiệu khả quan cần ghi nhận là sau nhiều năm đối mặt với thâm hụt thương mại, chiều hướng này nay bắt đầu giảm và thậm chí xuất siêu trong vài tháng gần đây.
Như nhận định của Tổng cục Hải quan, với tốc độ tăng 104,3%, XK hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là đối tác thương mại có tốc độ XK tăng cao nhất.
Số liệu thống kê cho thấy XK của Việt Nam sang Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm đã đạt 2,14 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 1,35 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu lạc quan của XK đã thể hiện rõ khi Việt Nam liên tiếp xuất siêu sang Ấn Độ, thặng dư thương mại trong 4 tháng đạt 797,09 triệu USD.
Trong đó, đáng chú ý là XK máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng gấp gần 6 lần. Tiếp đến là XK sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng gấp 2 – 3 lần. Các mặt hàng có kim ngạch XK lớn khác đều tăng như điện thoại di động và linh kiện; kim loại thường và sản phẩm; cà phê, hồ tiêu…
Nông sản Việt thu hút sự quan tâm của các DN Ấn Độ |
Nhiều thách thức phải vượt qua
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong các năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong nhóm 20/200 quốc gia có mức xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất với Việt Nam.
Tính riêng năm ngoái, XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đạt gần 3,76 tỷ USD, tăng 39,7% so với năm 2016, chiếm 1,7 % tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang tất cả các đối tác thương mại.
Trong đó, tính riêng trị giá XK mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm 2017 đã đạt 1,04 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng trị giá XK của Việt Nam sang Ấn Độ.
Thực tế, cơ cấu ngành hàng của hàng hóa XK sang Ấn Độ có sự phân chia rõ rệt. Các mặt hàng có kim ngạch lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch XK đều tập trung vào nhóm hàng công nghiệp.
Vì vậy, biến động đối với kim ngạch XK của Việt Nam sang Ấn Độ phụ thuộc chính vào nhóm hàng này. Các loại hàng hóa khác vẫn được XK đều đặn sang Ấn Độ, tuy nhiên kim ngạch thường nhỏ và vừa.
Đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, phía Ấn Độ cần nhập các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… để chế biến và thêm phần giá trị gia tăng, sau đó sẽ tái xuất. Đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Việt Nam nhưng giá trị gia tăng còn thấp.
Đơn cử như hồ tiêu, trong quý I vừa qua, XK hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường, tăng tới 209% về lượng và tăng 77% về kim ngạch, đạt 7.132 tấn, trị giá 25,06 triệu USD, chiếm 11,9% trong tổng lượng hạt tiêu XK của cả nước và chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch. Tuy nhiên, đáng buồn là giá hạt tiêu xuất sang Ấn Độ giảm 42,8%, chỉ đạt 3.514 USD/tấn.
Giới chuyên gia cho rằng thách thức lớn để giữ được đà tăng trưởng XK của Việt Nam vào Ấn Độ chính là vẫn còn những hàng hóa có chất lượng khiêm tốn, tính cạnh tranh thấp, giá thành cao nên khó có thể xâm nhập sâu hơn.
Ấn Độ còn là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa, nhất là Trung Quốc và các nước ASEAN.
Chưa kể, Ấn Độ vẫn được cho là thị trường bảo hộ thương mại thuộc loại lớn nhất châu Á với hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế ở mức khá cao, cùng với các hàng rào kỹ thuật khác cũng là một thách thức không nhỏ cho các DN Việt.
Thế Vinh