Nga bị đánh tụt hạng tín nhiệm
![]() |
Năm 2015 khởi động không hề suôn sẻ cho nền kinh tế Nga, khi điểm xếp hạng tín dụng ngoại tệ của nước này bị cơ quan xếp hạng Standard & Poor đánh tụt thê thảm xuống hạng BB +, tức là ngang bằng các nước như Bulgaria hay Indonesia, đồng nghĩa với việc không nằm trong nhóm đủ an toàn để đầu tư. Standard & Poor cho rằng nguyên nhân nằm ở sự cứng nhắc trong chính sách tiền tệ cũng như viễn cảnh tăng trưởng không khả quan của Matxcova. Trong khi đó, giới chuyên gia lý giải kinh tế Nga hứng chịu tác động tiêu cực là do giá dầu lao dốc không phanh và lệnh trừng phạt của phương Tây xung quanh những ồn ào chính trị ở nước láng giềng Ukraine.
Giá trị Apple cán mốc 1.000 tỷ USD
![]() |
Năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự thăng hoa của "gã khổng lồ" công nghệ Apple khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được định giá 1.000 tỷ USD. Giá trị Apple trong mắt nhà đầu tư cứ thế tăng đều đặn qua các năm, mặc dù giá cổ phiếu có biến động do nhu cầu thị trường đối với sản phẩm iPhone 6S không cao như dự kiến.
Mùa bội thu M&A
![]() |
Năm 2015 đánh dấu sự trở lại của hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên thế giới sau nhiều năm "ngủ đông". Không chỉ chinh phục kỷ lục 4.600 tỷ USD năm 2007, năm vừa qua còn ghi dấu ấn với hàng loạt "bom tấn" lên tới hàng trăm tỷ USD của những đại gia tốp đầu thế giới như AB InBev – SAB Miller trong lĩnh vực đồ uống, Pfizer và Allergan trong lĩnh vực dược phẩm, hay Royal Dutch Shell và BG trong ngành năng lượng… Tuy nhiên, gắn liền với không khí sôi động của chuỗi thương vụ thâu tóm 12 tháng qua là hàng trăm, hàng nghìn lao động mất việc làm vì tinh giản bộ máy.
HSBC thừa nhận sai phạm lịch sử
![]() |
Sau khi một loạt tài liệu hồ sơ bị rò rỉ cho giới truyền thông, người ta mới giật mình phát hiện ra rằng HSBC Thụy Sỹ đã chấp nhận mở tài khoản cho bọn tội phạm quốc tế, doanh nghiệp tham nhũng và nhiều cá nhân "bất hảo" khác.
HSBC sau đó phải lên tiếng thừa nhận và chịu trách nhiệm về những sai phạm trong công tác kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro. Với tổng số 30.000 tài khoản, giá trị tài sản khoảng 120 tỷ USD trong giai đoạn 2005 - 2007, đây chính là vụ rò rỉ bê bối nhất trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới.
Trung Quốc "dẫn dắt" chứng khoán thế giới… lao dốc
![]() |
Chứng khoán toàn cầu và giá dầu giảm mạnh do những lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh làn sóng bán tháo tài sản diễn ra trên toàn thế giới. Tất cả các thị trường châu Á đều nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng và chịu tổn thất như chứng khoán Trung Quốc. Thị trường châu Âu giảm khoảng 5%, trong đó DAX của Frankfurt (Đức) mất tới hơn 20% giá trị, xoá sạch mọi thành quả từ đầu năm. Giá dầu giảm xuống dưới 39 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 6 năm. Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm tới 38% so với mức đỉnh, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật mất 4,6% còn các cổ phiếu ở Ấn Độ chấp nhận mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2008.
Ông chủ facebook hiến tặng 99% tài sản
![]() |
Trong bức thư gửi cô con gái đầu lòng mới sinh, nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg, tuyên bố sẽ cùng với vợ mình - Priscilla Chan, hiến tặng 99% số cổ phần trong công ty mạng xã hội.
Tính theo giá trị hiện tại của Facebook, tổng số tiền gia đình Zukerberg làm từ thiện có thể lên tới 45 tỷ USD và sẽ được chuyển dần tới quỹ Chan Zuckerberg Initiative trong suốt quãng đời còn lại của cặp đôi tỷ phú.
COMMERZBANK cắn răng nộp phạt 1,45 tỷ USD
![]() |
Commerzbank - ngân hàng lớn thứ hai nước Đức, đã dính phải một đòn đau "nhớ đời" khi cắn răng nộp phạt 1,45 tỷ USD, để giải quyết vụ bê bối dính líu tới các công ty Iran và Sudan nằm trong danh sách bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Bộ Tư pháp Mỹ kết luận ngân hàng này đã tiến hành thủ tục thanh toán cho rất nhiều giao dịch bị cấm theo quy định của Mỹ với tổng giá trị lên tới 253 tỷ USD. Commerzbank còn bị cáo buộc che giấu hàng trăm triệu USD giao dịch bất hợp pháp khác trong giai đoạn từ năm 2002 - 2008.
Mất tiền thôi chưa đủ, Commerzbank còn mất cả nhân sự khi buộc phải sa thải Deepa Keswani, giám đốc bộ phận chống rửa tiền và gian lận ở New York, theo nội dung thỏa thuận với cơ quan chức năng.
Cú lừa ngoạn mục đẩy VOLKSWAGEN xuống dốc
![]() |
Rắc rối tìm đến nhà sản xuất ôtô danh tiếng của Đức khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cáo buộc công ty này cố tình cài đặt trong một số dòng xe diesel phần mềm đánh lừa các bài kiểm tra khí thải.
Vụ bê bối liên quan đến khoảng 11 triệu xe trên toàn thế giới, đã khiến Giám đốc điều hành VOLKSWAGEN (VW) Martin Winterkorn phải từ chức và gây xáo trộn ban lãnh đạo VW. Giá trị doanh nghiệp này cũng sụt mất 34 tỷ USD, chưa kể khoản tiền phạt lên đến 18 tỷ USD tại Mỹ. Hoạ vô đơn chí, VW còn phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra độc lập của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Hùng Anh