Nhiều nhà lắp ráp của Apple “chạy” khỏi Trung Quốc |
Cuối tuần qua, tập đoàn Hon Hai của Đài Loan, hay còn gọi là Foxconn, tuyên bố đầu tư thêm 230 triệu USD vào Ấn Độ và Việt Nam.
Trong số vốn 230 triệu USD mà Foxconn rót thêm nói trên, có 213,5 triệu USD đầu tư cho một cơ sở của hãng ở Ấn Độ trong thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 1/2019. Số tiền 16,5 triệu USD còn lại được trả cho công ty Fuhua để mua quyền sử dụng 250.000 m2 đất trong khu công nghiệp ở Bắc Giang, Việt Nam.
Cùng với đó, đối thủ nhỏ hơn của Foxconn là Pegatron cho biết sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Indonesia một phần hoạt động sản xuất các thiết bị mạng chịu ảnh hưởng của thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc. Pegatron cho biết đang xem xét các địa chỉ sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ.
Nhiều khả năng Pegatron sẽ chưa xuất xưởng thiết bị ở Việt Nam hay Ấn Độ trong 2019, bởi sẽ phải mất 2 năm để mở nhà máy mới. Tuy nhiên, công ty này đã chuyển một dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đại lục về hai thành phố Đào Nguyên và Đài Bắc của Đài Loan.
Dù cả Foxconn và Pegatron đều không nói thẳng là họ sẽ dịch chuyển việc sản xuất các sản phẩm của Apple, tuyên bố của hai hãng này cho thấy các công ty Đài Loan - các hãng gia công điện tử lớn nhất thế giới - đang cân nhắc lại mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Từ các nhà lắp ráp iPhone như Foxconn và Pegatron tới các nhà lắp ráp máy tính xách tay (laptop) như Compal đều đang chuẩn bị tinh thần cho một sự dịch chuyển căn bản khỏi nền tảng đã giúp họ phát triển mạnh mẽ kể từ thập niên 1980.
Các công ty lớn của Đài Loan tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, lắp ráp các sản phẩm tại các cơ sở lớn ở Trung Quốc cho những hãng nổi tiếng như HP, Dell hay Apple. Điều này có thể sớm thay đổi nếu cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang xa hơn.
Lê Minh