Kajima và Shimizu, tổng thầu lớn thứ hai và thứ ba của Nhật Bản, đều xác nhận rằng các công tố viên quận Tokyo đã bất ngờ đến “làm việc” tại trụ sở của mình. Trước đó vài ngày, đại gia xây dựng số một của đất nước Mặt trời mọc là Obayashi cũng phải tiếp đoàn thanh tra đột xuất của cơ quan chức năng. Đại diện các doanh nghiệp không đưa ra thêm thông tin chi tiết nào ngoài việc khẳng định sẽ có thái độ hợp tác toàn diện trong thời gian điều tra.
Dấu hỏi lớn về uy tín
Dự án tàu đệm từ trường nối Tokyo và Osaka là dự án đầu tiên trên thế giới thuộc loại này, dự kiến rút ngắn một nửa thời gian di chuyển giữa hai địa điểm, từ 130 phút hiện nay xuống còn 67 phút với tốc độ lên đến 505 km/h (tức là bằng một nửa tốc độ máy bay chở khách và gần gấp đôi tàu cao tốc chạy nhanh nhất thế giới hiện nay).
Các tàu hoạt động trên hệ thống này hoàn toàn không tiếp xúc trực tiếp với đường ray; thay vào đó, lực từ sẽ khiến đoàn tàu lơ lửng trong không khí và được đẩy về phía trước mà không gặp ma sát nhiều như tàu cao tốc thông thường, từ đó giảm nhiên liệu và tiếng ồn, hạn chế rung lắc…
Là một cấu phần quan trọng trong gói kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, thậm chí có thể là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng trong tương lai gần, dự án tàu đệm từ trường được chính phủ Nhật hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ Yên (tương đương 600.000 tỷ đồng) dưới dạng tín dụng ưu đãi. Chính vì vậy, dư luận nước này rất quan tâm liệu có xảy ra tình trạng tham ô, “bắt tay gầm bàn” để một số đối tượng trục lợi hay không.
Central Japan Railway (JR Central) – công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án, từng tổ chức đấu thầu nhiều gói thầu xây dựng lớn ở Nhật Bản, và đáng chú ý là bốn nhà thầu lớn nhất của nước này cứ lần lượt giành được tới 15 trong tổng số 22 hợp đồng, với khối lượng công việc gần như là chia đều cho nhau.
Hiện tại, pháp luật về cạnh tranh của Nhật Bản nghiêm cấm mọi hành vi thông thầu, các trường hợp bị phát hiện sẽ phải chịu án phạt khá nặng; thậm chí, Nhật Bản còn có chính sách khuyến khích tố giác hành vi cấu kết của nhà thầu.
Nếu bị phát hiện có hành vi thông thầu trong dự án tầm cỡ chiến lược như tuyến đường sắt đệm từ trường thì đó sẽ là nỗi xấu hổ không chỉ của các nhà thầu liên đới, mà còn là của cơ quan đảm bảo cạnh tranh Nhật Bản sau nhiều nỗ lực xử lý tình trạng “quân xanh quân đỏ” những năm gần đây.
![]() |
Pháp luật về cạnh tranh của Nhật Bản nghiêm cấm mọi hành vi thông thầu, các trường hợp bị phát hiện sẽ phải chịu án phạt khá nặng; thậm chí,Nhật Bản còn có chính sách khuyến khích tố giác hành vi cấu kết của nhà thầu.
Dân thấp thỏm lo âu
Được xem là tiến bộ vượt bậc của ngành đường sắt song ưu điểm sử dụng từ trường lại chính là một trong những điểm yếu của tàu đệm từ khi chúng không thể tương thích với hệ thống đường ray thông thường. Để xây dựng một tuyến hoàn chỉnh đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn.
Đây cũng là lý do mà loại tàu này chưa được phổ biến rộng rãi, ngay cả với những quốc gia mạnh về công nghệ và tiềm lực tài chính. Nước Đức hào hứng tiên phong nghiên cứu nhưng rồi cũng phải từ bỏ ý định triển khai trên thực tế. Chỉ có Nhật Bản vẫn kiên trì thử nghiệm và cải tiến, song vẫn phải thận trọng chia làm hai giai đoạn: từ Tokyo đến Nagoya (dự kiến hoàn thành năm 2027) và từ Nagoya đến Osaka (dự kiến khai thác từ năm 2045).
Về phía người dân, triển vọng được sử dụng một dịch vụ vận tải độc đáo không làm họ bớt lo âu về các vấn đề xã hội và môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư vào công trình tàu đệm từ khó mang lại hiệu quả lâu dài như mong đợi vì dự báo dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 127 triệu người xuống 100 triệu người trong nửa đầu thế kỷ 21, tức là nhu cầu đi lại bằng hệ thống này sẽ bị ảnh hưởng.
Không như tuyến cao tốc hiện tại, đi dọc bờ biển giữa Tokyo và Nagoya, tuyến tàu đệm từ sẽ chạy xuyên núi mà theo giải thích của JR Central là để dự phòng trường hợp đường ray cao tốc dọc bờ biển bị động đất hoặc sóng thần phá hủy. Tuy nhiên, điều này lại gây băn khoăn về tác động môi trường khi phải đào bới hàng triệu mét khối đất đá.
Hải Châu