Quan điểm của Mỹ hiện nay là không hỗ trợ IMF trong các “chiến dịch giải cứu mới” tại các nền kinh tế phát triển nữa, đặc biệt ở châu Âu.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times trước phiên họp thường niên của IMF tại Bali, Indonesia (diễn ra từ ngày 12 đến 14/10), phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ cho biết năng lực tài chính của IMF hiện tại là đủ để đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
Một nửa sức mạnh sắp… hết hạn
Tuy nhiên, vị này lưu ý rằng một số nguồn đóng góp cho IMF sẽ hết hạn trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, đồng nghĩa với việc cơ quan này phải rà soát chặt chẽ, đánh giá cẩn thận tình hình thu chi nhằm bảo đảm không lâm vào cảnh thiếu tiền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Khi chính quyền Tổng thống Trump chủ trương quay lưng với chủ nghĩa đa phương trên mọi lĩnh vực, từ bảo vệ nhân quyền cho đến truy tố tội phạm chiến tranh hay giải quyết tranh chấp thương mại, nhiều người đã thấp thỏm lo ngại IMF cũng có thể trở thành nạn nhân của chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump theo đuổi.
Trong tổng số khoảng 1.000 tỷ USD quỹ cho vay của IMF, xấp xỉ 450 tỷ USD là đóng góp cố định của các quốc gia thành viên tương ứng với quy mô nền kinh tế và được thể hiện bằng số lượng người đại diện trong ban điều hành IMF.
Các quốc gia có ảnh hưởng nhất như Mỹ, Trung Quốc và Đức, có “ghế” riêng, trong khi những nước có điều kiện kinh tế và địa lý tương tự thì “ngồi chung ghế”.
Phần còn lại (550 tỷ), đến từ các thỏa thuận vay đặc biệt của IMF với từng nước hoặc nhóm các nước, sắp đáo hạn trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2022. Khi ấy, nguồn lực của cơ quan này sẽ sụt giảm đột ngột, trừ khi các quốc gia thành viên đồng ý gia hạn.
IMF hy vọng các nước thành viên sẽ tăng mức đóng góp vào phần quỹ cố định của cơ quan này, nhất là tranh thủ thời điểm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng thuận lợi, song song với việc đổi mới công tác quản lý điều hành. Đây cũng là chủ đề dự kiến thu hút được sự quan tâm trao đổi của các quan chức bên lề các cuộc họp tại Bali.
Trong năm nay, chính phủ Mỹ là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất đối với gói cứu trợ kỷ lục trị giá 57 tỷ USD của IMF dành cho Argentina đang nợ nần đầm đìa. Thiện chí bất ngờ đó giúp IMF và Nhà Trắng càng thêm gần gũi.
Một số nguồn đóng góp cho IMF sẽ hết hạn trong giai đoạn 2020 - 2022 |
Dành cho tất cả, trừ châu Âu
Kinh nghiệm thực tế đã cho giới chức Mỹ thấy rằng IMF đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình các quốc gia ở bán cầu Tây có mối quan hệ thân thiết với Washington, như Argentina dưới thời Tổng thống Mauricio Macri.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để đóng góp cho IMF sẽ phải thông qua Quốc hội - một quá trình tương đối mất thời gian và tiềm ẩn khả năng phát sinh vương mắc, trở ngại mới.
Hiện tại, quan điểm của Mỹ là không hỗ trợ IMF trong các “chiến dịch giải cứu mới” tại các nền kinh tế phát triển nữa, đặc biệt ở châu Âu, nơi các nước khu vực đồng euro đã thành lập xong một quỹ cứu trợ riêng cho các nước thành viên để “chuyên” giải quyết các cuộc khủng hoảng.
“Tất cả các thành viên IMF đều có quyền tiếp nhận tài trợ khẩn cấp của IMF. Tuy nhiên, các nước châu Âu hiện đã có cơ chế tài trợ khẩn cấp của riêng mình ở cấp EU và Eurozone. Họ cũng từng tuyên bố rằng sẽ không tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ IMF nữa, trong trường hợp khủng hoảng”, phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
Cuộc họp thường niên của IMF lần này được tổ chức chung với Ngân hàng Thế giới và dự kiến sẽ bàn nhiều về những rủi ro tại các thị trường mới nổi, cũng như cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây vẫn đang là đám mây đen lớn nhất trên bầu trời kinh tế tài chính toàn cầu.
Hải Châu