Dù dành những lời khen ngợi cho chính phủ Hy Lạp trong việc bảo đảm cân bằng tài khóa và cán cân vãng lai cũng như khôi phục tăng trưởng, IMF cho rằng nhiều rủi ro vẫn tiềm ẩn, rình rập tấn công kinh tế nước này.
IMF nhận định ngành ngân hàng Hy Lạp có thể cần được bơm thêm vốn, trong khi tính bền vững của nợ công hay tính thực tế trong các dự báo ngân sách và tăng trưởng để lại khá nhiều băn khoăn.
Hệ quả của cải cách dang dở
IMF chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng của Hy Lạp đã giảm mạnh chỉ sau một đợt hồi phục ngắn ngủi. Tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính và quá trình cải cách chính sách dang dở ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ tạo áp lực tiêu cực lên triển vọng của Hy Lạp.
Bên cạnh đó, nợ công ở mức cao, sức khỏe ngành ngân hàng còn yếu, sự lệ thuộc vào các công cụ kiểm soát vốn và các khoản hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, cũng như các chỉ số xã hội đáng lo ngại (ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp cao) đều cộng hưởng tác động tiêu cực đến tăng trưởng và đời sống xã hội.
Như vậy, sau 8 năm nhận cứu trợ tổng cộng hơn 300 tỷ euro từ khu vực đồng Euro và IMF dưới dạng vay ưu đãi, dù các biện pháp cải cách kinh tế gắn liền với nó đã phần nào vực dậy Hy Lạp, song 1/4 nền kinh tế cũng đã bị xóa sổ trong giai đoạn này khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, còn mặt bằng thu nhập của người dân thì sa sút trông thấy.
IMF trước đó cũng từ chối tham gia chương trình cứu trợ thứ ba và là cuối cùng dành cho Hy Lạp, dù đã từng thống nhất với các nước thành viên khu vực đồng Euro hồi năm 2015, với lý do không yên tâm về khả năng trả nợ của nước này.
Đây chính là sự khác biệt lớn nhất về quan điểm giữa IMF và Ủy ban châu Âu (EC). Trong khi EC tin tưởng nợ công của Hy Lạp sẽ giảm xuống 96,8% GDP vào năm 2060, thì IMF lại lo ngại từ năm 2038, tỷ lệ này sẽ cứ thế đi lên thay vì đi xuống.
Đến tháng 6 vừa qua, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro đã “bật đèn xanh” cho một gói giải pháp nhằm giảm nợ cho Hy Lạp (hiện đang ở mức 180% GDP - cao nhất trong khu vực).
Quyết định này có thể tạo thuận lợi cho việc mở cửa thị trường trong trung hạn, nhưng IMF lo ngại về lâu về dài sẽ khó để duy trì nếu Hy Lạp không tiếp tục được ưu đãi giãn, giảm nợ.
IMF nhận định ngành ngân hàng Hy Lạp có thể cần được bơm thêm vốn |
Thách thức đối với ngành ngân hàng
IMF dự báo tăng trưởng GDP của Hy Lạp sẽ yếu hơn và chi phí vay sẽ cao hơn. Theo IMF, tăng trưởng bền vững đòi hỏi một khoảng thời gian tương đối để thực hiện cải cách, mà điều này vượt quá cả tham vọng và thời gian mà Hy Lạp có được cho đến nay.
Đặc biệt, IMF lo ngại về việc chính phủ Hy Lạp có ý định đợi đến khi chương trình cứu trợ kết thúc sẽ thay đổi 180 độ một số kế hoạch cải cách thị trường lao động đã thông qua năm 2011. IMF cũng băn khoăn về xu hướng không mấy khả quan trong dài hạn về năng suất lao động và tình hình nhân khẩu học của Hy Lạp.
Ngoài ra, IMF còn rất lưu tâm đến các ngân hàng của Hy Lạp với lời khuyến nghị tăng vốn để tạo bộ đệm an toàn. Dù vượt qua được bài kiểm tra của Ngân hàng Trung ương châu Âu theo công bố cách đây 3 tháng, song hệ thống ngân hàng Hy Lạp vẫn có thể rơi vào cảnh “đói” vốn khoảng 1,3 - 1,9 tỷ Euro nếu các điều kiện bất lợi buộc họ phải duy trì tỷ lệ vốn cấp 1 trong khoảng 7,5 - 8%, IMF nhận định.
Hơn thế nữa, với một nửa số tín dụng hiện nay là nợ xấu (cao nhất trong Liên minh châu Âu), tình hình sức khỏe tài chính thực tế của các ngân hàng Hy Lạp là đáng lo ngại. IMF khuyến nghị các ngân hàng cần quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ khó đòi và rà soát kỹ công tác cấp tín dụng.
Hải Châu