Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times mới đây, bà Lagarde cho biết tại thời điểm này, tác động tiêu cực mới chỉ dừng lại ở những quốc gia chứng kiến dòng tiền đầu tư tháo chạy. Tuy nhiên, mọi việc có thể thay đổi rất nhanh, bởi thị trường đang bước vào giai đoạn biến động khó lường và lung lay niềm tin do các nước lớn vẫn “lên gân lên cốt” với nhau.
Tổng Giám đốc IMF nhận định đó chính là một trong những mối nguy hiểm tiềm tàng mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt.
Ngọn lửa đang âm ỉ
Phát biểu của bà Lagarde được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chuẩn bị đánh thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tiếp tục tăng nhiệt cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa, ông Trump lại đe dọa đánh thuế với 267 tỷ USD sản phẩm nữa của Trung Quốc.
Hành động “ăn miếng trả miếng” giữa các bên chưa cho thấy điểm dừng, trong khi các thị trường mới nổi còn đang đau đầu tìm cách lấy lại niềm tin thị trường sau một đợt bán tháo mạnh (xuất phát từ đồng USD tăng giá) khiến thị trường lo lắng về khả năng trả nợ của chính phủ và doanh nghiệp một số quốc gia.
Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tại các nước đang phát triển chủ yếu tập trung ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai đều đang gặp phải những vấn đề riêng về chính trị và kinh tế, khiến giới đầu tư hết sức quan ngại.
Lãnh đạo Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc tăng lãi suất nhằm thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, Argentina lại thúc giục IMF đẩy nhanh giải ngân gói cứu trợ 50 tỷ USD để gia cố tình hình tài chính.
Bà Lagarde cho biết các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà Tổng thống Argentina Mauricio Macri mới công bố sẽ đóng vai trò quyết định trong chính sách tài khóa của nước này trong giai đoạn tới. Theo lời bà Lagarde, IMF cũng đang cân nhắc yêu cầu của Argentina về việc gia hạn thanh toán các khoản vay.
Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina là tâm điểm, nhưng điều đó không có nghĩa là những quốc gia như Nam Phi, Indonesia hay Brazil chẳng phải lo lắng gì. Thực tế là vài tuần trở lại đây, dòng tiền đầu tư đã rút dần khỏi ba nước này, làm tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, chưa cho thấy điểm dừng |
Người dân chịu thiệt
Đối với Argentina, bà Lagarde cho biết IMF đang chờ đợi những chính sách tiền tệ bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin rõ ràng, minh bạch và đúng đắn cho nhà đầu tư. Điều này sẽ có tác động đáng kể đến niềm tin trong nước bởi người dân Argentina quan tâm rất nhiều đến thị trường tiền tệ.
Ngoài ra, IMF cũng phải theo dõi xem các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của ông Macri có giúp thực hiện lời hứa cân đối ngân sách sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu hay không.
Bà Lagarde cho rằng Argentina cần phải hướng đến đời sống của người dân trong nước khi họ trực tiếp chịu ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt và gợi ý Argentina nên để dành khoảng 0,2% GDP dự phòng trong trường hợp người dân cần hỗ trợ.
“Nếu kế hoạch của Tổng thống Macri có những cải cách nghiêm túc thì chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô của Argentina, xác định tính bền vững của các khoản nợ và cùng họ giải quyết”, bà Lagarde cho biết.
Quay lại cuộc đua tăng thuế Mỹ - Trung, bà Lagarde nhận định nó sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng của Trung Quốc và từ đó lan tỏa rắc rối sang các nước láng giềng châu Á, do sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, ảnh hưởng tới Mỹ, xét cho cùng, sẽ “ngấm” nhiều nhất vào nhóm dân số có thu nhập thấp, khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng sẽ đội lên cùng với các sắc thuế.
“Thương mại là tích cực, là lợi thế. Thương mại vẫn cần được điều chỉnh, nhưng đó là một công cụ và một động lực tăng trưởng, không nên đặt nó vào tình thế hiểm nguy, đặc biệt là thời điểm này”, bà Lagarde nói thêm.
Hải Châu