Ong Trump còn tuyên bố sẽ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, để đặt dấu chấm hết cho một thỏa thuận mà ông cho là “tồi tệ”, hay “lẽ ra không nên tồn tại”.
Thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015, với sự tham gia của 6 cường quốc (trong đó có Mỹ) cùng với Iran, đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên quốc gia này để đổi lấy việc Tehran hạn chế phát triển chương trình hạt nhân của mình, hay cụ thể hơn là nhằm ngăn Iran chế tạo bom hạt nhân.
Chê thành tựu của người tiền nhiệm
Sau khi lên nhậm chức, ông Trump lại chê bai thỏa thuận được đánh giá là thành tựu đối ngoại nổi bật của người tiền nhiệm Barack Obama.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm cho rằng nó có nhiều “khiếm khuyết căn bản” khi không thể ngăn cản Iran tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân, không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025 hoặc vai trò của quốc gia này trong các cuộc xung đột ở Yemen và Syria.
Giới quan sát nhận định bước đi trên của Tổng thống Trump sẽ làm gia tăng căng thẳng với các nước đồng minh ở bên kia Đại Tây Dương. Đặc biệt là khi lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã đến tận Mỹ để gặp trực tiếp và ra sức thuyết phục ông giữ nguyên hiện trạng của thỏa thuận này.
Mặc dù chính quyền Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán một thỏa thuận mới với các đồng minh, nhưng thời điểm này chẳng ai dám khẳng định liệu châu Âu có còn hào hứng và có thể thuyết phục Iran chấp nhận tái đàm phán hay không. Về phía Iran, Tehran đã lắc đầu và thậm chí còn dọa trả đũa.
Chuyên gia còn cho rằng chính châu Âu mới là đối tượng đầu tiên “dính đòn”, khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt trở lại Iran. Và qua đây, một sự thật được phơi bày: Ông Trump không hề quan tâm tới các đồng minh của mình.
Ngay lập tức, lãnh đạo các nước Anh, Đức và Pháp - những quốc gia từng đặt bút ký thỏa thuận cùng Trung Quốc và Nga, cũng lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trong một tuyên bố chung.
Cựu Tổng thống Mỹ Obama đánh giá quyết định rút lui của ông Trump là “sai lầm nghiêm trọng”, khi mà Iran chẳng vi phạm bất kỳ cam kết nào.
Việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran tiếp nối hàng loạt quyết định gây sốc trước đó của Tổng thống Trump để thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, mà điển hình là rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, sẵn sàng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, hay rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Khó khăn cho Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran sẽ giữ nguyên thỏa thuận hiện tại mà không cần có Washington. Truyền hình nước này cho rằng quyết định của ông Trump là không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến các thỏa thuận quốc tế.
Iran luôn phủ nhận quan điểm quốc gia này có ý đồ chế tạo vũ khí nguyên tử, đồng thời khẳng định chương trình hạt nhân hiện nay chỉ phục vụ các mục đích hòa bình.
Phái đoàn thanh tra của Liên Hợp Quốc cũng đã kết luận Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân và ngay cả các quan chức cấp cao của Mỹ cũng thừa nhận Iran tuân thủ đầy đủ.
Về mặt thương mại, việc bị áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Iran gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ hoặc sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế.
Iran hiện là thành viên lớn thứ ba của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nước này bơm khoảng 3,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tức là chiếm khoảng 4% nguồn cung toàn cầu. Trong số 2,5 triệu thùng xuất khẩu của Iran, thì Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mua hầu hết.
Theo thông tin từ Bộ Ngân khố Mỹ, các biện pháp trừng phạt liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, xe hơi và tài chính của Iran sẽ áp dụng trở lại sau 3 - 6 tháng nữa. Giấy phép cấp cho Boeing và Airbus để bán máy chở khách cho Iran sẽ bị thu hồi, coi như “treo” luôn thỏa thuận trị giá tới 38 tỷ USD.
Giá dầu ngay lập tức chịu ảnh hưởng sau tuyên bố của ông Trump. Hợp đồng tương lai dầu thô Brent giảm 1,7% xuống 74,85 USD/thùng, trong khi West Texas Intermediate của Mỹ đóng cửa giảm 2,4% xuống còn 69,06 USD/thùng.
Hải Châu