Động thái mới nhất này là một bước đi quan trọng trong quá trình chuyển mình của AIIB từ việc chỉ tập trung cho vay ở châu Á sang một tổ chức có phạm vi toàn cầu, tương tự như cấu trúc của Ngân hàng Thế giới (WB).
Vươn dài tầm tay
Ông Danny Alexander - Phó Chủ tịch của AIIB, cho biết danh sách đối tác của ngân hàng không chỉ tăng về số lượng, mà còn ngày càng đa dạng. Điều này bắt nguồn từ việc ngân hàng đã có thể triển khai đầu tư vào các dự án bên ngoài châu Á; cho dù nhóm dự án đó chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong tổng số tín dụng và AIIB chủ yếu tập trung vào những hoạt động mang lại lợi ích cho khu vực châu Á thông qua việc tăng cường khả năng kết nối lục địa này với các khu vực khác.
Đầu tháng 5/2018, AIIB đã ký một biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) - một ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu trong khu vực.
Trước đó, tháng 3/2018, AIIB cũng đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB), định chế cho vay đa phương của Mỹ La-tinh - một động thái diễn ra cùng lúc với việc một loạt các nước Mỹ La-tinh tham gia vào ngân hàng này trong đợt kết nạp 27 thành viên mới.
Brazil là 1 trong 57 thành viên sáng lập thì 6 quốc gia khác bao gồm Argentina, Chile, Ecuador, Bolivia, Peru và Venezuela đang trong giai đoạn đầu của quá trình gia nhập.
Cho đến nay, AIIB đã tham gia đồng tài trợ đối với 18 trong số 25 dự án mà ngân hàng này cho vay. Danh sách đối tác của AIIB bao gồm WB, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo. 7 dự án còn lại được AIIB cấp tín dụng toàn bộ.
Ngay tại châu Phi, trước khi hợp tác với AfDB, AIIB từng đồng tài trợ một dự án ở Ai Cập với IFC, một nhánh của WB. Tuy nhiên, thỏa thuận với AfDB được kỳ vọng sẽ mở ra thêm các cơ hội khác trên khắp lục địa.
Mức độ đa dạng ngày càng tăng về địa lý trong các hoạt động của AIIB |
Mở rộng quy mô
AIIB dự kiến sẽ tăng tổng giá trị giải ngân trong năm nay so với mức 2,7 tỷ USD năm ngoái và 1,6 tỷ USD của năm 2016. Dù AIIB chưa đưa ra mục tiêu chính thức, song giới quan sát cho rằng con số này có thể rơi vào khoảng 3 - 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, AIIB cũng muốn tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư theo hướng đa dạng hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mức độ đa dạng ngày càng tăng về địa lý trong các hoạt động của AIIB sẽ cho phép ngân hàng chấp nhận rủi ro tốt hơn, khi danh mục đầu tư trở nên quy mô hơn.
Việc đẩy mạnh tham gia vào 6 dự án ở Ấn Độ - quốc gia được xếp hạng tín dụng ở mức “đáng để đầu tư”, đã mang lại nhiều kinh nghiệm và hỗ trợ các hoạt động của AIIB ở các địa bàn khác tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn như Myanmar hay Tajikistan.
Song, dù rủi ro ít hay nhiều, quy trình cho vay của AIIB vẫn bảo đảm công bằng cho mọi quốc gia. Tất cả các dự án đều phải trải qua quá trình xét duyệt như nhau, phải có tính khả thi về mặt kinh tế và có khả năng trả nợ.
Mặt khác, AIIB tuyên bố sẽ “công tâm” khi chọn lựa dự án tài trợ. Hiện nay, AIIB vẫn duy trì một mối quan hệ “mật thiết” với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường (BRI)” của Trung Quốc, khi hỗ trợ tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng ở hơn 80 quốc gia. AIIB sẽ tiếp tục tài trợ cho các dự án đã được kết nối với BRI và những dự án chưa được kết nối trong tương lai.
Tuy nhiên, dù có ủng hộ BRI hay không, cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng AIIB của mỗi quốc gia cũng không bị ảnh hưởng và các yếu tố ngoài chuyên môn (như chính trị…) sẽ không thể tác động đến quá trình xem xét và ra quyết định của AIIB.
Hải Châu