Chính những lo ngại của người trong cuộc rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tụt xuống đáy của 10 năm trở lại đây đã tạo áp lực cho các giao dịch M&A, ngay cả khi chi phí tín dụng phục vụ M&A vẫn tương đối rẻ, còn thị trường chứng khoán vẫn sôi động.
Doanh nghiệp e sợ rủi ro hơn
“Khối lượng giao dịch M&A giảm hẳn vì có những lo ngại rằng rủi ro có thể tăng lên ở một số lĩnh vực, thị trường và các nơi khác”, theo ông Michael Carr - đồng Giám đốc toàn cầu phụ trách M&A tại Goldman Sachs Group Inc.
Nước Mỹ - nơi mà chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp vẫn đang chịu tác động của căng thẳng thương mại, chứng kiến những thay đổi rõ nét. M&A ở Mỹ giảm tới 40% so với cùng kỳ, xuống còn 246 tỷ USD trong quý III, mức thấp nhất hàng quý kể từ năm 2014.
Trong khi đó, châu Á “khá khẩm” hơn một chút, dù cũng chịu ảnh hưởng từ những lo ngại về tương lai của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính. Hoạt động M&A trong khu vực này giảm 20%, xuống còn 160 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Các đơn vị tư vấn M&A cho rằng sự khác biệt về định giá giữa bên mua và bên bán cũng là một khoảng cách khó san lấp và khiến một số thương vụ đổ bể.
“Các công ty quan tâm đến M&A trở nên sợ rủi ro hơn và điều này có thể sẽ khiến giá trị M&A giảm trong năm nay. Nhưng chúng tôi hy vọng hoạt động M&A sẽ diễn ra sôi nổi trong năm tới”, ông Robin Rankin - đồng Giám đốc toàn cầu phụ trách M&A tại Credit Suisse Group AG.
Điểm sáng duy nhất trong trong quý III là châu Âu, nơi hoạt động M&A đạt 249 tỷ USD, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Eamon Brabazon - đồng Giám đốc EMEA M&A tại Bank of America Corp, cho rằng “Ở châu Âu, các giao dịch rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực và khu vực địa lý khác nhau. Đây là một dấu hiệu của một thị trường lành mạnh, bởi vì chúng tôi không bị phụ thuộc vào một lĩnh vực nào cả. Không có lý do rõ ràng nào để tin rằng thị trường M&A sẽ sụt giảm trong tương lai gần”.
Nước Anh - nơi mà bầu không khí hoang mang bao trùm về Brexit đã biến các công ty trở thành mục tiêu giá hời, vẫn là thị trường M&A lớn nhất châu Âu, với 6,4% thị phần M&A toàn cầu và giá trị giao dịch đạt 177 tỷ USD cho đến thời điểm này của năm 2019.
Điểm sáng duy nhất trong trong quý III là châu Âu |
Có cả bom tấn và bom xịt
Đồng bảng Anh gần chạm mức thấp kỷ lục so với các đồng tiền chủ chốt khác đã khuyến khích bên mua ở nước ngoài, điển hình là đại gia giàu nhất Hồng Kông Li Ka-shing mua lại Greene King (công ty điều hành các quán rượu) hay quỹ Blackstone cùng một số đối tác thâu tóm Merlin (chủ sở hữu bảo tàng sáp Madame Tussauds và chuỗi công viên chủ đề Legoland).
Một thương vụ thu hút nhiều sự quan tâm trong quý III là Sở Giao dịch và Thanh toán Hồng Kông (HKEX) đề nghị mua lại Sở Giao dịch chứng khoán Luân Đôn (LSE) với giá 39 tỷ USD. Tuy nhiên, LSE đã từ chối.
Bom tấn “xịt” khác trong quý III là hãng sản xuất thuốc lá Philip Morris International Inc dự định mua lại Altria Group Inc trong một thương vụ lớn nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên, hai bên không đến được với nhau trong bối cảnh lo ngại về việc cơ quan chức năng đang xử lý tương đối mạnh tay đối với thuốc lá điện tử.
Trong số các thỏa thuận đi đến đích cuối cùng, không thể không nhắc đến thương vụ sáp nhập trị giá 24,6 tỷ USD giữa công ty con chuyên về thuốc hết bản quyền của “gã khổng lồ” dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ với đối tác cùng ngành Mylan NV, hay thương vụ 20 tỷ USD giữa các công ty truyền thông Mỹ, CBS Corp và Viacom Inc.
Trong khi các công ty vẫn phải cân nhắc liệu có nên ký thỏa thuận vào cuối năm nay hay không, các đơn vị tư vấn môi giới kỳ vọng hoạt động M&A trong tương lai gần sẽ duy trì được sự sôi nổi và có thể xấp xỉ khối lượng giao dịch 3,91 nghìn tỷ USD của năm ngoái.
Hải Châu