Trong hai tuần giao dịch gần nhất của tháng 7, thị trường chứng khoán đón nhận nhiều tin tức tích cực từ hai thương vụ đáng chú ý gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ cho đối tác KEB Hana Bank và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (mã: CMG) chào bán 25 triệu cổ phần (27% vốn điều lệ) cho Samsung SDS.
Mức giá mỗi cổ phần mà BIDV phát hành cho KEB Hana Bank là 33.640 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch là 20.295 tỷ đồng. Về phía Tập đoàn CMC, mức giá chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là không thấp hơn 30.000 đồng/cp, dự kiến thu về 750 tỷ đồng, thời gian hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tác động đến giá cổ phiếu
Thực tế, cả hai mã chứng khoán là BID và CMG đều đã có những bước tăng trưởng tích cực về giá dưới sự hỗ trợ của các thông tin liên quan đến đối tác nước ngoài. Ngay tại ngày công bố thông tin chào bán cho cổ đông Hàn Quốc (22/7), cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 35.750 đồng/cp, cao hơn 6,3% so với mức giá dự kiến bán cho đối tác KEB Hana Bank và tăng 13% so với đầu tháng 7.
Câu chuyện BIDV bán vốn cho KEB Hana Bank không phải mới mà đã được BIDV đề cập đến từ năm 2018. Tuy nhiên, do quá trình đàm phán kéo dài chưa đạt được mức giá kỳ vọng nên đến nay mới được hoàn thành.
Tuy nhiên, thông tin này đã hỗ trợ cho cổ phiếu BIDV trong suốt một khoảng thời gian "lình xình" trước đó. Nếu so sánh tại thời điểm cách đây đúng một năm, cổ phiếu BID đã tăng 51,5% từ mức giá 23.600 đồng/cp.
Tương tự, ngay sau khi Tập đoàn CMC công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Samsung SDS Co., Ltd hoặc Samsung SDS Asia Pacific Pte.Ltd (công ty con do Samsung SDS sở hữu trực tiếp toàn bộ vốn điều lệ) cổ phiếu CMG đã tăng có bước tăng ngoạn mục vượt ngưỡng 40.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) đạt mức tăng 122,5% từ mức giá 17. 980 đồng/cp của ngày 25/7/2018.
Được biết, Samsung SDS là công ty dịch vụ công nghệ thông tin và logistics của Tập đoàn Samsung. Hiện, thị trường đang chờ đợi buổi lễ công bố đối tác chiến lược sắp được tổ chức của tập đoàn để có câu trả lời cho việc liệu đối tác Hàn Quốc có kế hoạch gia tăng sở hữu tại CMC.
Trước đó, thị trường đã dậy sóng với những thương vụ tỷ USD khi Tập đoàn SK Hàn Quốc chi 1 tỷ USD để sở hữu 6% cổ phần của Vingroup thông qua mua 154,3 triệu cổ phiếu VIC phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ VIC và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình 113.000 đồng/cp.
Bên cạnh dòng vốn ngoại cùng với những tiềm năng sẵn có, cổ phiếu VIC vừa thiết lập đỉnh lịch sử mới 122.000 đồng/cp tại phiên giao dịch ngày 24/7, nâng vốn hóa thị trường của Vingroup lên 408.204 tỷ đồng (khoảng 17,6 tỷ USD).
Đáng chú ý, 2 trong số 3 mã cổ phiếu trong những thương vụ kể trên là VIC và BID đang là những cổ phiếu thuộc nhóm "chèo lái" thị trường và có một thực tế là nếu thanh khoản và giá của nhóm cổ phiếu này tốt thì thị trường cũng sẽ ổn.
Sóng M&A được kỳ vọng phá tan "băng giá" hiện tại của TTCK Việt |
Thị trường 6,7-6,8 tỷ USD
Theo nhận định của CTCK Bản Việt (VCSC), nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán nửa đầu năm giao dịch trầm lắng ngoài thanh khoản giảm, việc thiếu vắng các thương vụ gây chú ý, quá trình cổ phần hóa diễn biến chậm lại khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung hàng hóa quan trọng để thu hút nhà đầu tư.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc mua bán sáp nhập sẽ diễn ra sôi động giữa các doanh nghiệp trong nước từ ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… với quy mô mạnh hơn, lớn hơn sẽ là động lực giúp cải thiện dòng tiền đang có dấu hiệu cạn kiệt trên thị trường chứng khoán.
Việt Nam đang là một quốc gia có nhiều công ty mạnh, thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài. Tham gia mạnh nhất thời gian qua là nhà đầu tư tới từ Nhật, Hàn Quốc, kế đến là Singapore và Mỹ.
Năm 2019, hoạt động M&A được xem là một kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sự tăng trưởng các hoạt động M&A tại Việt Nam được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sức hấp dẫn và tiềm năng của các doanh nghiệp trong nước, tăng tốc quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA được ký kết.
Thực tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, luôn luôn sẵn sàng "đổ tiền" vào các doanh nghiệp Việt nếu có cơ hội. Có thể lấy ví dụ về trường hợp của SK Enegy, một công ty trong hệ sinh thái SK có thể đã rót thêm hàng trăm triệu USD nữa, tương đương 9.000 tỷ đồng, để sở hữu 44,72% vốn cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã: OIL) nếu kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược của PVOIL được Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán – sáp nhập (CMAC) và Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research, giá trị thị trường M&A năm 2019 sẽ ở quy mô 6,7 – 6,8 tỷ USD, tương đương 90% năm 2018, nhưng vẫn cao hơn so với mức bình quân giai đoạn 2014 – 2017 với quy mô 5 tỷ USD/năm.
Linh Đan