Tập đoàn AbbVie được biết tới với các lĩnh vực liên quan đến miễn dịch sinh học, ung thư, virus học và khoa học thần kinh.
Allergan thì tạo được danh tiếng nhờ chuyên về các lĩnh vực thẩm mỹ y tế như sản xuất Botox (Botulinum Toxin type A - sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ), chăm sóc mắt, hệ thần kinh trung ương và điều trị các rối loạn về đường tiêu hóa...
Thương vụ M&A này được kỳ vọng sẽ tạo nên tập đoàn dược phẩm sinh học hàng đầu thế giới, tận dụng tối đa được thế mạnh của cả AbbVie và Allergan, mở ra những cơ hội mới trong ngành dược phẩm sinh học. Tập đoàn mới sẽ tạo ra doanh thu ước tính vào khoảng 48 tỷ USD ngay trong năm 2019 này.
Vào tuần trước, một tập đoàn công nghệ sinh học khác là Pfizer cũng công bố sẽ chi 11,4 tỷ USD để thâu tóm Array BioPharma - công ty chuyên phát triển các loại thuốc ung thư đặc hiệu đã được cấp phép lưu hành ở Mỹ và châu Âu.
Ban giám đốc của Pfizer - Tập đoàn dược phẩm danh tiếng của Mỹ đã đồng ý chi trả 48 USD/cổ phiếu của Array BioPharma đang lưu hành để mua lại và sáp nhập công ty nhiều tiềm năng này về với Pfizer.
Tổng giá trị thương vụ M&A này, theo tính toán vào khoảng 11,4 tỷ USD, dựa trên số cổ phiếu Array BioPharma đang lưu hành.
Array BioPharma hiện đang điều chế thuốc điều trị ung thư gồm Braftovi và Mektovi được kết hợp để điều trị khối u ác tính có mang đột biến gene BRAF được đánh giá rất hiệu quả và đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Ủy ban châu Âu (EU) cấp phép sử dụng.
Việc thâu tóm thành công Array BioPharma giúp Pfizer có thêm những loại thuốc đặc hiệu mới trong kho sản phẩm thuốc điều trị ung thư vốn đang tạo ra lợi nhuận rất lớn cho hãng, bên cạnh các sản phẩm như thuốc chống đông máu, thuốc Alzheimer, tim mạch hay các loại vắc xin... liệu pháp sinh học cũng như sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Lê Minh