Sự mất cân đối giữa tăng trưởng tiền gửi và tăng trưởng tín dụng, cộng thêm sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng quốc doanh trong việc thu hút tiền gửi tiết kiệm trong dân, đã khiến nhiều ngân hàng thương mại ở Ấn Độ phải đối mặt với chi phí vốn cao, từ đó chần chừ thực thi chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước.
Mạnh tay nữa thì may ra
Các ngân hàng cho rằng việc Ngân hàng trung ương (RBI) quyết định giảm 25 điểm cơ bản của lãi suất tái cấp vốn, xuống mức 6,25% trong tháng 2/2019, vẫn là chưa đủ để có thể tạo ra tác động đến lãi suất cho vay.
Đó là một phần lý do tại sao lãi suất tín dụng của các ngân hàng thương mại vẫn dao động cầm chừng trong khoảng 8,15 - 8,55% kể từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu mới nhất từ RBI.
Ông Ashutosh Khajuria - Giám đốc tài chính Ngân hàng Liên bang tại Mumbai, cho biết hầu hết các nhà băng chỉ cắt giảm lãi suất khoảng 10 điểm cơ bản “lấy lệ” để tỏ ra hưởng ứng chủ trương của “cấp trên”.
Vị này ước tính RBI cần điều chỉnh khoảng 50 điểm cơ bản thì may ra các ngân hàng thương mại mới có động lực để giảm sâu hơn lãi suất cho vay, từ đó tác động thúc đẩy tín dụng mới thể hiện rõ nét.
Nếu lạm phát tiếp tục diễn biến theo chiều hướng như thời gian qua, mặt bằng lãi suất chắc chắn sẽ giảm trong quý đầu tiên của năm tài chính tiếp theo (bắt đầu từ tháng 4/2019), ông Khajuria nêu quan điểm.
Người dân và doanh nghiệp Ấn Độ trông chờ ngành ngân hàng giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát thấp và nhu cầu thị trường yếu. Lạm phát duy trì khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu trung hạn 4% của ngân hàng trung ương.
Ông Shaktikanta Das - tân Thống đốc RBI, đã nhắc nhở các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay và tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo các nhà băng để thúc đẩy việc thực hiện chủ trương chính sách tiền tệ của RBI một cách đầy đủ và khẩn trương.
Ở Ấn Độ, mỗi lần điều chỉnh lãi suất cần từ 6 đến 9 tháng để tạo ra tác động thực sự đến nền kinh tế.
Người dân và doanh nghiệp Ấn Độ trông chờ ngành ngân hàng giảm lãi suất |
Cơn đau đầu còn kéo dài
Bà Prachi Mishra - kinh tế trưởng tại Goldman Sachs India Securities, cho biết các ngân hàng vẫn giữ quan điểm thận trọng và “không sẵn sàng cắt giảm lãi suất vì lượng tiền gửi và tiết kiệm tài chính gia đình đang rơi xuống vùng đáy. Ngay cả khi lãi suất quy định có giảm, thì lãi suất mà chính phủ trả cho các khoản tiết kiệm nhỏ vẫn cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi ngân hàng”.
Các chương trình tiết kiệm bưu điện của chính phủ trả lãi từ 7% đến 8% mỗi năm cùng các lợi ích về thuế, trong khi đó tiền gửi có kỳ hạn một năm tại Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, ngân hàng lớn nhất của quốc gia này, chỉ được hưởng lãi 6,9%.
Giới phân tích nhận định lượng tiền gửi ngân hàng cũng đang tăng với tốc độ chậm hơn so với các khoản vay, gây áp lực buộc các ngân hàng thương mại phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn để thu hút người gửi tiền.
Theo dữ liệu của RBI, trong khi tín dụng ngân hàng tháng 2/2019 tăng trưởng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, thì tăng trưởng tiền gửi bị chững lại ở mức 10%.
Bà Tanvee Gupta Jain - chuyên gia kinh tế tại UBS Securities India Pvt, cho rằng tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” giữa RBI và các nhà băng liên quan đến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay sẽ còn kéo dài.
Ngân hàng thương mại chỉ sẵn sàng thực hiện “lấy lệ” phần nào do sự chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi còn lớn.
Vấn đề này khó có thể giải quyết một sớm một chiều và các nhà băng sẽ tiếp tục phải đau đầu với các khoản nợ khó đòi và điều kiện tài chính eo hẹp.
Hải Châu