Hiệp hội Di động và Điện tử Ấn Độ (ICEA) - đơn vị đề xuất ý tưởng trên, cho rằng quốc gia này đang tiến gần đến điểm bão hòa và nếu không có đột phá trong xuất khẩu, tăng trưởng hoạt động sản xuất sẽ không thể duy trì và tăng tốc.
Gỡ “barie” cho doanh nghiệp
Bộ tài liệu 174 trang mà ICEA trình lên chính phủ Ấn Độ trước thời điểm công bố kế hoạch ngân sách ghi nhận chiến lược “Make in India” khởi động từ năm 2014 cùng với quyết định tăng dần thuế nhập khẩu linh kiện điện thoại di động đã thúc đẩy việc tạo ra hơn 260 đơn vị sản xuất trong nước và hơn 600.000 việc làm.
Điều đó đã giúp Ấn Độ trở thành nước sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc và thôi thúc các hãng sản xuất smartphone nước ngoài (Oppo, Samsung…) cũng như các đơn vị sản xuất theo hợp đồng (Wistron, Foxconn…) đẩy mạnh sản xuất các mẫu điện thoại phục vụ thị trường nội địa.
Trong thời gian tới đây, lĩnh vực này hứa hẹn còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhờ Chính sách quốc gia về Điện tử mà Ấn Độ đã ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở đường, chính phủ cũng đồng thời đặt ra một số “barie” cho doanh nghiệp.
Kể từ tháng 2/2019, Ấn Độ sẽ bắt đầu đánh thuế nhập khẩu mặt hàng bảng cảm ứng, tức là sớm hơn 2 tháng so với dự kiến ban đầu. Điều này khiến các nhà sản xuất thiết bị cầm tay cảm thấy khá quan ngại vì quá trình chuẩn bị lắp ráp trong nước đối với bảng cảm ứng tiêu tốn khá nhiều chi phí.
Một số chuyên gia cho rằng sự nhất quán trong chính sách là điều quan trọng đối với bất kỳ ngành nghề nào. Nếu chính sách thay đổi một cách ngẫu hứng thì nhà đầu tư sẽ thấy bất an và Ấn Độ khó lòng gây dựng hình ảnh như một địa bàn sản xuất lý tưởng.
Trong tài liệu đề xuất của mình, ICEA kiến nghị chính phủ tăng tín dụng xuất khẩu các lô hàng điện thoại di động từ 4% lên 8% và áp dụng tín dụng xuất khẩu 5% đối với một số dịch vụ như ứng dụng di động. Bên cạnh đó, tổ chức này mong muốn thuế nhập khẩu máy móc sẽ giảm bớt và doanh nghiệp sản xuất có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ.
ICEA - tiền thân là Hiệp hội Di động Ấn Độ, cũng kêu gọi chính phủ xem xét lại việc đánh thuế linh kiện mới và sớm cho phép sản xuất trong nước các linh kiện đã nằm trong diện chịu thuế nhập khẩu.
Ấn Độ hiện có hơn 1 tỷ thuê bao di động |
Giảm thuế để kích sản xuất
Thuế nhập khẩu đối với mặt hàng bảng cảm ứng là một mối quan tâm đặc biệt của các hãng sản xuất điện thoại thông minh, trong đó có cả tên tuổi lớn như Samsung. Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ, “gã khổng lồ” Hàn Quốc từng gửi thư phàn nàn với chính phủ Ấn Độ rằng họ không thể sản xuất hai mẫu điện thoại cao cấp của mình tại Ấn Độ cũng chỉ vì vấn đề thuế.
Một nguồn tin của Reuters thì cho hay Samsung đang đầu tư vào một nhà máy lắp ráp bảng cảm ứng tại Ấn Độ và nhà máy này sẽ sẵn sàng hoạt động vào cuối tháng 3/2020.
Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu xuất khẩu điện thoại di động đạt 9 tỷ USD vào năm tài khóa 2019 (kết thúc vào tháng 3/2020). Đây là một con số đầy tham vọng nếu biết rằng thành tích năm 2017 mới chỉ là 100 triệu USD.
ICEA nhận định mặc dù đã có một số cải thiện trong hoạt động xuất khẩu kể từ năm 2015, song Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài để trở thành một trung tâm xuất khẩu smartphone của thế giới.
Theo thống kê của ICEA, Ấn Độ chiếm 11% sản xuất di động toàn cầu trong năm 2017, tăng từ 3% năm 2014, vượt qua Việt Nam để trở thành “công xưởng” smartphone lớn thứ hai thế giới tính theo sản lượng.
Nhờ đó, nhập khẩu điện thoại di động giảm xuống một nửa trong giai đoạn 2017 - 2018. Ấn Độ hiện có hơn 1 tỷ thuê bao di động và khoảng 380 triệu trong số này chưa có smartphone.
Hải Châu