Hôm 17/4, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất của mình, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm tới sẽ đạt mức 3,9%, đồng thời tốc độ phát triển kinh tế mạnh sẽ kéo dài cho đến năm 2020.
Tuy nhiên sau mốc thời gian đó, quan điểm của IMF có phần bi quan hơn, khi nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm dần do ngân hàng trung ương các nước siết chặt chính sách tiền tệ, Mỹ rút dần gói kích thích tài chính, còn kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc.
Mỗi quốc gia cần tranh thủ thời cơ
IMF cho rằng một khi khoảng cách về sản lượng kinh tế dần bị san lấp, thì hầu hết các nước tiên tiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng thấp hơn giai đoạn tiền khủng hoảng, trong khi dân số già hóa và năng suất lao động lại thấp.
IMF cũng cảnh báo tăng trưởng thậm chí còn lệch hướng nếu các quốc gia vẫn theo đuổi các biện pháp trừng phạt mang tính ăn miếng trả miếng.
Trong phần lời tựa của báo cáo, Kinh tế trưởng của IMF - ông Maurice Obstfeld, đã viết: “Những phát súng đầu tiên của một cuộc chiến tranh thương mại đã được khai hỏa” và nhấn mạnh lại lời cảnh báo của IMF từng đưa ra hồi đầu tháng rằng hệ thống thương mại toàn cầu đang có nguy cơ bị “sụp đổ”.
Xung đột có thể gia tăng nếu các chính sách tài khóa ở Mỹ khiến thâm hụt thương mại của nước này trầm trọng hơn, trong khi cả châu Âu và châu Á không có các biện pháp giảm thặng dư.
Theo ông Obstfeld, chính phủ các nước cần tranh thủ thời cơ thuận lợi để thực hiện cải cách cơ cấu và đưa ra các chính sách thuế nhằm nâng cao sản lượng tiềm năng của nền kinh tế.
Báo cáo Đánh giá triển vọng kinh tế thế giới của IMF là cơ sở tham khảo rất tốt cho các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 189 quốc gia thành viên, trước khi tham dự cuộc họp mùa xuân thường niên do IMF tổ chức trong tuần này tại Washington. Tại cuộc họp này, cuộc “khẩu chiến” của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc xung quanh xung đột thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm.
Bên cạnh đó, thế giới còn đang phải đối mặt với những thách thức khác ngoài lĩnh vực thương mại, như kết thúc giai đoạn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng trong khi gánh nặng nợ công toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 164.000 tỷ USD.
Đà hồi phục mạnh mẽ của kinh tế thế giới kể từ năm 2011 sẽ tiếp tục duy trì |
Phục hồi trên diện rộng
Theo IMF, xét chung cả thế giới, tăng trưởng đang được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư kinh doanh và hồi phục kim ngạch thương mại. Năm ngoái, 2/3 số quốc gia có tăng trưởng dương, chiếm 3/4 sản lượng toàn cầu. Đây là kết quả tích cực nhất kể từ năm 2010, khi thế giới bắt đầu bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.
Quá trình phân tích dữ liệu của Bloomberg còn phát hiện một dấu hiệu lạc quan khác. Trong 6 tháng vừa qua, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng trong năm nay ở 95 quốc gia và ở 102 quốc gia vào năm 2019. Có 81 quốc gia bị hạ triển vọng tăng trưởng trong năm nay và sang năm 2019 là 70 quốc gia.
IMF nhận định kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, tăng 0,2% so với dự báo hồi tháng 1. Năm 2019, Mỹ có thể tăng trưởng 2,7%, tức là cũng tăng 0,2% so với dự báo từ 3 tháng trước đây. Nguyên nhân của việc điều chỉnh dự báo một phần đến từ những lợi ích của chính sách cắt giảm thuế mà Mỹ đã thông qua hồi tháng 12/2017.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo, đến năm 2022, kinh tế Mỹ sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng, do thâm hụt ngân sách tăng cao và không còn điểm tựa từ gói kích thích tài chính.
IMF cũng nâng dự báo cho khu vực đồng Euro, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 2,4% trong năm 2018 (tăng 0,2% so với dự báo hồi tháng 1), song giữ nguyên dự báo trước đó (2%) cho năm 2019.
Tăng trưởng của Trung Quốc có thể đạt 6,6% trong năm nay và 6,4% vào năm 2019, theo IMF. IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tái cấu trúc động lực tăng trưởng theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư và sản xuất để tập trung vào tiêu dùng và dịch vụ.
Cơ quan này đồng thời cảnh báo rằng áp lực nợ công sẽ mang tới nhiều “mây đen” cho triển vọng của Trung Quốc trong trung hạn.
Hải Châu