Theo tờ Financial Times, trong dự báo mới nhất của mình, WTO nhận định kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ tăng 4,4% năm 2018 sau khi tăng 4,7% trong năm ngoái - mức tăng trưởng tốt nhất của 6 năm trở lại đây.
Phải tránh xa chủ nghĩa bảo hộ
Tuy nhiên, WTO cũng phát hiện những dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại gia tăng có thể đã và đang tác động xấu đến lòng tin và quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Tổ chức này nhấn mạnh, hành động leo thang trong các cuộc chiến thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc ăn miếng trả miếng nhau những tuần gần đây sẽ làm suy yếu quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu.
WTO lên tiếng trong bối cảnh cả thế giới thấp thỏm lo âu một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc có thể làm gián đoạn quá trình tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn đang tận hưởng giai đoạn suôn sẻ và ổn định nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trước đó, tháng 1 năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,9% trong năm nay, nhưng tổ chức này sẽ có bản cập nhật tại cuộc họp với Ngân hàng Thế giới tại Washington trong tuần này. Song ngay bây giờ, các quan chức IMF đã bắt đầu cảnh báo về những nguy hiểm mà một cuộc chiến tranh thương mại sẽ tạo ra đối với tăng trưởng và hệ thống các quy tắc thương mại toàn cầu đã tồn tại suốt 70 năm qua.
Bà Christine Lagarde - Giám đốc điều hành của IMF, cho rằng “mây đen” đang bao trùm kinh tế thế giới và chính phủ các nước cần phải tránh xa chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức. Bởi lịch sử đã chứng minh mọi hành vi hạn chế nhập khẩu sẽ chỉ gây tổn hại cho tất cả mọi người.
“Hệ thống thương mại toàn cầu - hệ thống đã giúp giảm thiểu đói nghèo, cắt giảm chi phí sinh hoạt và tạo ra hàng triệu việc làm - hiện đang có nguy cơ sụp đổ”, bà Lagarde nói thêm.
WTO cho rằng rủi ro đối với nền kinh tế và thương mại toàn cầu trong năm nay tiếp tục tăng lên do hậu quả của chủ nghĩa bảo hộ. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng việc các ngân hàng trung ương, trong đó có cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ có thể gây ra biến động về tỷ giá hối đoái và dòng vốn và điều này cũng làm xáo trộn thương mại quốc tế.
WTO hy vọng các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2018 |
Hệ quả “mưa dầm thấm lâu”
Mặc dù các thông số thống kê về vận tải cho thấy hoạt động thương mại quốc tế vẫn diễn ra sôi động trong vài tháng đầu năm, song WTO cũng chỉ ra rằng sự sụt giảm trong các đơn hàng xuất khẩu của tháng 3 vừa qua là minh chứng về hệ quả “mưa dầm thấm lâu” của chủ nghĩa bảo hộ.
Cụ thể, Mỹ đã liên tiếp tỏ thái độ đầy cứng rắn bằng cách áp dụng thuế nhập khẩu nhôm và thép, đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 1.300 sản phẩm từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng không ngần ngại đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Màn ăn đũa trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm cho thị trường tài chính chao đảo, cho dù sau đó xuất hiện những thông tin từ chính quyền ông Trump rằng hai bên sẽ nỗ lực giải quyết thông qua thương lượng. Các chuyên gia kinh tế của WTO cũng nghi ngờ về hiệu quả của quá trình đàm phán song phương đó.
WTO hy vọng các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2018 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dự báo đạt 5,4% trong năm tới và nhập khẩu tăng 4,8%. Tổ chức này cũng dự đoán, sẽ xuất hiện “tăng trưởng mạnh” ở một số nền kinh tế phát triển với xuất khẩu tăng 3,8% và nhập khẩu tăng 4,1%.
Hải Châu