Trong bối cảnh phần lớn thị trường tại các nước tiên tiến dần bước vào giai đoạn bão hòa, các công ty công nghệ và doanh nghiệp hàng tiêu dùng bắt đầu phải chuyển hướng sang các thị trường mới nổi với dân số đông.
Một nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, dân số khổng lồ 260 triệu người, lần đầu tiên tổng sản phẩm quốc nội vượt qua mốc 1.000 tỷ USD trong năm 2017 như Indonesia quả là một điểm đến hết sức hấp dẫn.
“Nắn” dòng chảy đầu tư
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Devin Wirawan - Giám đốc đầu tư tại Saratoga Capital - một công ty đầu tư vốn cổ phần thành lập năm 2004, cho biết: “Chúng tôi là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên và mọi việc rất dễ dàng, vì chưa có ai khác đến đây. Nhưng hiện nay, dòng tiền đang đổ về rất nhiều, thậm chí là từ các công ty đầu tư vốn, từ các ngân hàng và các tập đoàn trên toàn thế giới”.
Theo số liệu từ Dealogic, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ của Indonesia đã đạt 3 tỷ USD vào năm 2017, tăng hơn 20 lần so với mức 128 triệu USD năm 2016.
Đây là lần đầu tiên vốn đầu tư vào công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị đầu tư từ nước ngoài vào Indonesia (tăng gấp đôi so với năm trước đó, đạt 6,8 tỷ USD). Trong khi đó, đầu tư vào các nhóm sản phẩm tiêu dùng đạt 1,2 tỷ USD.
Trước kia, khai thác mỏ, năng lượng và nông nghiệp luôn là các lĩnh vực dẫn dắt dòng chảy đầu tư vào quốc gia vạn đảo, nhưng cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu, ngành hàng tiêu dùng được “thơm lây” và bùng nổ như hiện nay, tạo nên một nét đột phá trong bức tranh thu hút vốn từ giới đầu tư quốc tế.
Trong năm qua, các công ty khởi nghiệp của Indonesia trong lĩnh vực công nghệ như công ty dịch vụ đặt vé trực tuyến Traveloka, hay trang thương mại điện tử Tokopedia được định giá tăng thêm tới hàng tỷ USD nhờ đón nhận tiền đầu tư từ doanh nghiệp lữ hành Mỹ (như Expedia), hay các đại gia công nghệ Trung Quốc (như Tencent và Alibaba).
Quỹ đầu tư KKR thì mua cổ phần của Go-Jek, tập đoàn thương mại điện tử và cũng là công ty dịch vụ gọi xe lớn nhất Indonesia, với giá trị 3 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần nhất. KKR còn đầu tư vào nhà sản xuất bánh mỳ lớn nhất nước này - Nippon Indosari Corpindo.
[Caption]Lần đầu tiên vốn đầu tư vào công nghệ Indonesia chiếm tỷ trọng lớn nhất |
Công nghệ và công nghệ
Trong khi đó, Saratoga và các nhà đầu tư vốn cổ phần khác đã chuyển trọng tâm từ lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và tài nguyên sang lĩnh vực tiêu dùng. Saratoga đang đầu tư vào Deltomed - công ty chuyên về thực phẩm chức năng thảo dược và hệ thống bệnh viện Awal Bros.
Năm 2017 đánh dấu lần đầu tiên các công ty công nghệ Trung Quốc đầu tư tích cực vào Indonesia. Một nhóm nhà đầu tư do tập đoàn Alibaba đứng đầu đã mua lại 1,1 tỷ USD cổ phần Tokopedia hồi tháng 8, tức là chỉ vài tháng sau khi Tencent rót 150.000 USD vào Go-Jek.
Ông Eddi Danusaputro - Chủ tịch của Mandiri Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 50 triệu USD, được ngân hàng lớn nhất Indonesia, Bank Mandiri, thành lập vào năm 2016, nhận định: “Thương mại điện tử ở Indonesia đang trở thành cuộc đấu của người Trung Quốc với nhau”.
Chứng kiến nhà đầu tư quốc tế cứ “đổ bộ rầm rầm” như vậy, đương nhiên các doanh nghiệp trong nước của Indonesia không thể khoanh tay đứng nhìn. Nhiều công ty lớn đã thành lập quỹ đầu tư hoặc đơn giản là huy động tiền mặt nhàn rỗi để tận dụng nhịp sóng đầu tư ngành công nghệ.
Tập đoàn Astra International đã đầu tư 150 triệu USD vào Go-Jek hồi tháng 2. Trong khi đó, Salim Group đã mua lại cổ phần của một start up về thương mại điện tử trong năm ngoái.
Hải Châu