Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có thể hướng chính sách bảo hộ đến các nước Đông Nam Á, và Thái Lan nhiều khả năng sẽ là mục tiêu đầu tiên, theo nhận định của chuyên gia.
Thái Lan sẽ có thể nằm trong nhóm các nước bị Bộ Tài chính Mỹ theo dõi chặt chẽ về hành vi can thiệp vào thị trường ngoại hối. Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ phát hành báo cáo bán niên phân tích chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại trong tháng này và vào tháng 10/2018.
Trong báo cáo gần nhất, 5 nước bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thuộc danh sách theo dõi, cũng giống như trong báo cáo trước đó. Ngoài ra, Malaysia và Việt Nam cũng đồng thời có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, chính vì vậy hai nước này cũng có thể là mục tiêu.
Ảnh minh họa |
Ông Teppei Ino, chuyên gia phân tích cao cấp tại chi nhánh ở Singapore của ngân hàng MUFG, tin rằng Thái Lan hoàn toàn có khả năng sẽ bị đưa vào danh sách bởi Thái Lan có đẩy đủ yếu tố được cân nhắc đến.
Có 3 ngưỡng mà Mỹ tính toán để quyết định về việc đối tác thương mại nào sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi. Thứ nhất, nước đó có thặng dư thương mại hơn 20 tỷ USD với Mỹ; thứ hai, nước đó có thặng dư tài khoản vãng lai trên 3% GDP; và thứ ba, lượng ngoại tệ mà nước đó đơn phương mua vào cao trên hơn 2% GDP.
Nếu một nước nào đó có 2 trong 3 tiêu chí trên, Bộ Tài chính sẽ đưa vào danh sách theo dõi. Nếu có cả 3 tiêu chí, nước đó có thể bị coi như nước thao túng tiền tệ và tiếp theo sau đó Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên trước tiên, Mỹ sẽ hối thúc các nước này giảm thặng dư thương mại đồng thời hạn chế can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Năm 2017, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ lần đầu tiên vượt mức 20 tỷ USD. Xuất khẩu máy tính và các linh kiện liên quan tăng 9%, xuất khẩu các sản phẩm làm từ cao su, trong đó có lốp xe tăng gần 30% so với cùng kỳ. Thặng dư tài khoảng vãng lai của Thái Lan đạt 10,8% GDP, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng của Mỹ.
Thặng dư tài khoản vãng lai lớn khiến cho đồng Bath tăng giá. Dự trữ ngoại tệ của Thái Lan ở thời điểm cuối năm 2017 đạt mức 202,5 tỷ USD, tăng gần 20% so với 1 năm trước đó. Dự trữ ngoại tệ tăng mạnh cho thấy Ngân hàng Trung ương Thái Lan nhiều khả năng đã bán mạnh đồng Bath và mua vào đồng USD để duy trì vị thế cạnh tranh trong xuất khẩu bằng cách duy trì đồng nội tệ yếu.
Nếu Thái Lan thực sự trở thành nước đầu tiên bị trừng phạt, “quân bài” đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á sẽ đổ. Việc điều chỉnh các yếu tố mất cân bằng thương mại sẽ khó khăn.
Nếu Thái Lan hạn chế can thiệp vào tỷ giá đồng Bath, đồng tiền hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong 5 năm so với đồng USD, hàng xuất khẩu của Thái Lan sẽ trở nên đắt đỏ hơn, chính vì vậy sức cạnh tranh của hàng Thái Lan sẽ giảm bớt và gây khó cho tăng trưởng.
Nhiều nước Đông Nam Á khác phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng cũng đối diện với rủi ro có thể trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt thương mại từ Mỹ. Năm 2017, Việt Nam có thặng dư thương mại 38,3 tỷ USD với Mỹ, dự trữ ngoại tệ tăng 17% trong năm vừa qua.
Thặng dư thương mại của Malaysia với Mỹ đạt 24,5 tỷ USD, cao hơn ngưỡng của Mỹ cho phép, thặng dư tài khoản vãng lai đạt 3% GDP.
Nước Mỹ đang đẩy cao rủi ro chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cho đến nay, Trung Quốc đang có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, lên đến 375,2 tỷ USD. Trong vài tuần qua, Mỹ áp thuế đối với nhiều hàng Trung Quốc dẫn đến việc Bắc Kinh đe dọa tăng thuế đối với hàng Mỹ.
Khi mà một số nền kinh tế tại Đông Nam Á có thể đối diện với những động thái tương tự từ phía Mỹ, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ có thể trở nên u ám hơn.
Theo Bizlive