Giá dầu vẫn tăng ngay cả trước khi số liệu về nguồn cung được công bố. Giá dầu trên thị trường Mỹ chấm dứt 5 phiên suy giảm.
Cho đến nay đã có nhiều lời tuyên bố về khả năng sẽ sớm tìm ra vắc xin chống cúm corona, nếu loại vắc xin này sớm được phát triển, kỳ vọng về khả năng nhu cầu dầu thô tăng sẽ ngày một lớn dần và như vậy giá dầu thô được hỗ trợ đà tăng.
Thông tin về khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh đang cân nhắc giảm sản lượng sâu hơn trong cuộc họp tại Vienna cũng hỗ trợ cho giá dầu. Dù rằng cuối cùng cuộc gặp này đã kết thúc mà không có tuyên bố nào được đưa ra.
Giám đốc điều hành tại Tyche Capital Advisors, ông Tariq Zahir, nhận xét: “Tình hình đang diễn ra không hề dễ dàng. OPEC có thể sẽ hành động, tuy nhiên mối lo chính là nhu cầu từ Trung Quốc sẽ khó tăng cao. Ông nhấn mạnh thêm rằng việc virus cúm corona lây lan sẽ có thể khiến cho nhu cầu giảm sâu hơn nữa”.
Giá dầu tăng vọt do hy vọng sớm có vắc xin cho cúm corona (Ảnh Internet) |
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu hợp đồng tương lai tháng 3/2020 tăng 1,14USD/thùng tương đương 2,3% lên 50,75USD/thùng trên sàn New York. Giá dầu như vậy đã bước vào trạng thái thị trường suy giảm trong ngày thứ Hai, đó là khi mà giá dầu giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất.
Thị trường London, giá dầu Brent hợp đồng tương lai tháng 4/2020 tăng 1,32USD/thùng tương đương 2,5% lên 55,28USD/thùng. Trước đó vào phiên ngày thứ Ba, giá dầu đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ ngày 31/12/2018. Tính từ phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent cũng rơi vào trạng thái suy giảm.
EIA công bố nguồn cung dầu thô của Mỹ tăng 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 31/1/2020. Giới chuyên gia phân tích đã dự báo về mức tăng 3 triệu thùng. Viện Xăng dầu Mỹ trong khi đó công bố về mức tăng 4,2 triệu thùng.
Vào ngày thứ Tư, Sky News đưa tin rằng các nhà nghiên cứu Anh đã có bước tiến trong việc phát triển loại vắc xin cúm corona, vắc xin này được cho là có nhiều điểm tương đồng với vắc xin cho dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS).
Trong một động thái riêng rẽ, nhóm nghiên cứu thuộc đại học Chiết Giang – Trung Quốc tuyên bố đã sử dụng 2 loại thuốc bao gồm Abidol và Darunavir, hai loại thuốc này được cho là đã có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhân. Ngoài ra, một báo cáo khoa học khác được giới truyền thông Trung Quốc loan tin cho thấy sự kết hợp của 2 loại thuốc Lopinavir và Ritonavir cũng có hiệu quả trong điều trị bệnh.
Dù vậy, khi trả lời câu hỏi từ giới truyền thông, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng cho đến nay chẳng có phương thuốc chữa trị nào chống lại virus cúm corona. WHO tuyên bố sẽ tổ chức cuộc họp với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia vào thứ Ba và thứ Tư tuần tới nhằm đưa ra phương thuốc trị bệnh hiệu quả chống lại bệnh dịch này.
VT